Khủng hoảng Ukraine: Mỹ nhiều 'mưu', Nga nhiều 'kế'
Khi phương Tây khẳng định sẽ khiến Nga phải 'trả giá đắt' nếu tấn công Ukraine thì Moscow cũng có rất nhiều lựa chọn để không trở thành 'người thua cuộc'.
Đáp trả dứt khoát và nhanh chóng
Khi thế giới đổ dồn sự tập trung vào việc liệu Nga có tấn công Ukraine hay không và phản ứng của phương Tây sẽ như thế nào, dư luận lại ít chú ý đến hậu quả của cuộc khủng hoảng này.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin hôm 12/2, Tổng thống Biden cảnh báo rằng Mỹ và các đồng minh sẽ “đáp trả một cách dứt khoát và nhanh chóng áp đặt những biện pháp mạnh đối với Nga” nếu Moscow thúc đẩy cuộc xâm lược Ukraine.
Những biện pháp đó là gì vẫn cần phải chờ xem. Trước đây, Mỹ ám chỉ rằng có một số lựa chọn đang được xem xét để đáp trả hành động gia tăng của Nga đối với Ukraine.
Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt, nhằm cả vào Tổng thống Vladimir Putin và các cộng sự thân tín của ông, như ngắt kết nối Nga khỏi mạng lưới thông tin tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) và hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống lại các lực lượng Nga, đều được coi là những phương án khả thi.
Hiện có vẻ như các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị nhắm mục tiêu vào các ngân hàng do nhà nước Nga hậu thuẫn như VTB và Sberbank, đồng thời trừng phạt các lĩnh vực công nghệ và quốc phòng cũng như các nhà tài phiệt của nước này.
Tuy nhiên, sự đối thoại đã khép lại. Không có cuộc thảo luận tiếp theo nào để bàn về khả năng đáp trả của Nga.
Moscow với nhiều lựa chọn
Về phía Nga, Moscow có nhiều lựa chọn để đáp trả các hành động của phương Tây, điều mà các nhà hoạch định phương Tây rất nên cân nhắc.
Về mặt kinh tế, có khả năng Nga sẽ tạm ngừng vận chuyển dầu và khí đốt, một “vũ khí” mà Moscow đã sử dụng trong quá khứ để tác động đến hành vi của các quốc gia. Tuy nhiên, Nga cũng là nước xuất khẩu chủ chốt các nguồn tài nguyên quan trọng khác và đã đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu các nguồn tài nguyên đó.
Cuối tháng 1 vừa qua, Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga gợi ý rằng Moscow sẽ làm chậm lại hoặc tạm dừng chuyển giao nguồn tài nguyên thiên nhiên sang châu Âu. Sự gián đoạn trong hoạt động xuất nhập khẩu các nguyên liệu thô quan trọng sẽ có tác động đáng kể đến các thị trường khác, có lẽ ngang với giá dầu và khí đốt.
Nga đã ám chỉ sẽ có các biện pháp đáp trả đối với các hành động được đề xuất của phương Tây. Năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, đã có các cuộc thảo luận về khả năng tách Nga khỏi SWIFT, sau đó Thủ tướng Nga lúc đó là Dmitri Medvedev đã cảnh báo Moscow sẽ có động thái như một “lời tuyên chiến”.
Cuối tháng 1 vừa qua, Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga gợi ý Moscow sẽ làm chậm hoặc tạm dừng chuyển giao tài nguyên thiên nhiên sang châu Âu nếu Nga bị ngắt kết nối.
Bên cạnh đó, Nga cũng có thể sẽ đáp trả phương Tây bằng các cuộc tấn công mạng.
Trên thực tế, Moscow đã tham gia một chiến dịch mạng tích cực chống lại cả Ukraine và Mỹ. Moscow sẽ tiếp tục nỗ lực này bất kể kết quả của cuộc khủng hoảng hiện nay ra sao.
Tuần trước, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo bất kỳ hoạt động tấn công mạng nào bị nghi ngờ do Nga tiến hành. Nga sẽ nhắm mục tiêu vào cơ quan chỉ huy và kiểm soát của Ukraine, mạng lưới thông tin liên lạc và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Cho đến nay, phương Tây đã may mắn tránh được một cuộc chiến toàn diện trong không gian mạng. Tất nhiên đã có các cuộc tấn công mạng, hoạt động tình báo và tội phạm trực tuyến, nhưng một cuộc chiến công khai trong không gian mạng vẫn chưa xảy ra.
Một kịch bản nữa có thể xảy ra là Nga sẽ gia tăng chiến dịch "chiến tranh chính trị". Đây cũng là một khả năng có thể xảy ra.
Moscow có thể gia tăng nỗ lực nhằm làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ hiện nay ở các quốc gia châu Âu và ở Mỹ. Moscow đã chứng tỏ khả năng có thể can thiệp các cuộc bầu cử. Mặc dù cho đến nay Nga đã hạn chế can thiệp hoàn toàn, nhưng họ vẫn có thể thay đổi hướng hành động này.
Với việc một bộ phận đáng kể công chúng Mỹ nghi ngờ về tính xác thực của các cuộc bầu cử, Nga có thể lợi dụng để gây ra hỗn loạn và chia rẽ hơn nữa.
Bên cạnh đó, liệu Nga có mạo hiểm đưa ra động thái táo bạo hơn, như tìm cách gia tăng sức ép ở những nơi khác hay khơi dậy một cuộc khủng hoảng ở một quốc gia có cộng đồng người nói tiếng Nga?
Tổng thống Putin, Tổng thống Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều là những người sáng suốt. Lúc này, không ai biết ý định của Tổng thống Putin là gì và mọi giả định đều có thể xảy ra. Thêm váo đó, không rõ phương Tây sẽ phản ứng ra sao.
Do đó, điều quan trọng là phải tất cả các bên cần suy nghĩ thấu đáo những gì có thể xảy ra và tiếp theo đó là gì. Lập kế hoạch và hành động thận trọng trước cuộc khủng hoảng để tránh rơi vào bẫy leo thang.
(theo The Hill)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-ukraine-my-nhieu-muu-nga-nhieu-ke-173908.html