'Khủng hoảng Ukraine' sẽ thay đổi trật tự thế giới?

Khi các trụ cột của trật tự thế giới hiện hành đều tỏ ra có vấn đề, ắt hẳn trật tự đó khó mà không có những xoay chuyển nhất định.

Đại hội đồng Liên hợp quốc mở phiên họp khẩn lần thứ nhất về xung đột Nga-Ukraine hôm 2/3. (Nguồn: AP)

Đại hội đồng Liên hợp quốc mở phiên họp khẩn lần thứ nhất về xung đột Nga-Ukraine hôm 2/3. (Nguồn: AP)

Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, không ít người nghĩ rằng Nga chỉ tập kết quân đội để gửi đi thông điệp cứng rắn, qua đó ép NATO và Ukraine phải nhân nhượng. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng Nga đã sẵn sàng và chuẩn bị khai hỏa, nhiều nhà ngoại giao châu Âu vẫn tin rằng đây chỉ là đòn tâm lý chiến của Mỹ...

Trật tự thế giới lung lay

Với mong muốn không lặp lại các bài học đắt giá của Thế chiến I và II, cộng đồng quốc tế đã có nhiều phát kiến nhằm kiểm soát xung đột giữa các quốc gia, duy trì hòa bình, ổn định của thế giới, trong đó có ba biện pháp chủ đạo.

Trước hết là răn đe hạt nhân đi kèm với các biện pháp kiểm soát vũ trang giữa các nước lớn. Sau Thế chiến II, các nước lớn đã tránh không có xung đột quân sự trực tiếp do các bên đều hiểu một cuộc xung đột như vậy rất có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân hủy diệt.

Thứ hai là liên kết kinh tế. Khởi đầu từ Cộng đồng than thép của châu Âu năm 1952, ý tưởng tạo ra đan xen lợi ích kinh tế giữa các quốc gia để ngăn ngừa xung đột là một phát kiến to lớn. Sự nảy nở của các tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu hóa kinh tế nói chung, nhất là sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đã thực sự gắn kết lợi ích các quốc gia với nhau, giảm bớt nguy cơ chiến tranh.

Thứ ba là luật pháp quốc tế trên nền tảng Hiến chương Liên hợp quốc. Đây có thể coi là một thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại, tạo ra luật chơi chung được cộng đồng quốc tế chấp nhận rộng rãi, cơ bản loại trừ việc sử vũ lực trong quan hệ quốc tế đương đại.

Thế nhưng “khủng hoảng Ukraine” cho thấy cả ba biện pháp trên đã thất bại trong việc ngăn chặn xung đột để duy trì hòa bình cho châu Âu. Biện pháp kiểm soát vũ trang đã không cản được NATO mở rộng và Nga hiện đại hóa quân đội toàn diện suốt 15 năm qua. Các đan xen về lợi ích kinh tế giữa Nga và châu Âu không đủ mạnh, thậm chí còn trở thành các lỗ hổng an ninh để các bên khai thác. Luật pháp quốc tế cũng không đủ uy lực để ngăn ngừa xung đột vũ trang.

Điều chỉnh hay quá độ

Khi các trụ cột của trật tự thế giới hiện hành đều tỏ ra có vấn đề, ắt hẳn trật tự đó khó mà không có những xoay chuyển nhất định. Chính vì vậy, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã ví khủng hoảng Ukraine như khoảnh khắc 11/9 của châu Âu, làm xoay chuyển cục diện thế giới.

Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell thậm chí cho rằng khủng hoảng là sự kiện an ninh tồi tệ nhất trên đất châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Đa số liên tưởng đến sự kiện Bức tường Berlin (1989), sau đó đã kích hoạt chuỗi sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và việc hình thành trật tự thế giới mới.

Thế giới sẽ mất một thời gian quá độ thay đổi tư duy, chuyển hướng chính sách để tìm một điểm cân bằng mới và phương thức mới duy trì hòa bình, ổn định giữa các quốc gia.

Quan điểm nổi lên hiện nay cho rằng liên kết kinh tế, luật pháp quốc tế hay sức mạnh mềm nói chung chưa đủ để bảo đảm duy trì hòa bình và ổn định. Hiện đại hóa quốc phòng, chạy đua vũ trang và kiểm soát vũ trang sẽ là các vấn đề an ninh nổi lên trên chính trường quốc tế thời gian tới. Luật pháp quốc tế sẽ tiếp tục được đề cao nhưng cơ chế bảo đảm thực thi luật pháp quốc tế sẽ phải được cải tổ phù hợp với cục diện thế giới hiện hành.

Liên kết kinh tế sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cùng tiến trình toàn cầu hóa, tuy nhiên các liên kết quan trọng, thực chất nhất sẽ chỉ diễn ra giữa các đối tác có sự tin cậy chiến lược hoặc các quốc gia đồng quan điểm. Triển vọng kinh tế thế giới bị phân chia thành các khối, nhóm, với thành viên, luật lệ khác nhau; áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ, sử dụng hệ thống hạ tầng và dịch vụ hậu cần độc lập... như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonyo Guterres cảnh báo không phải là xa vời.

Cục diện thế giới xoay chuyển sẽ tác động không nhỏ tới môi trường đối ngoại Việt Nam. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc 30 năm trước, ta đã nhanh chóng nhận diện xu thế thế giới hậu Chiến tranh Lạnh để mở rộng quan hệ đối ngoại, triển khai đa dạng hóa đa phương hóa và hội nhập quốc tế thành công.

Hơn lúc nào hết ta cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, nắm bắt xu thế mới trong quan hệ quốc tế thời gian tới, vừa đặt mình vào đúng dòng chảy chung của cộng đồng quốc tế, vừa chủ động góp phần tạo nên dòng chảy đó, tự tin với “cơ đồ, tiền lực, uy tín, vị thế” mà Việt Nam gây dựng để bảo vệ lợi ích quốc gia từ sớm, từ xa trước mọi thay đổi của tình hình.

Nguyễn Hùng Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-ukraine-se-thay-doi-trat-tu-the-gioi-178037.html