Khuổi Củng trên mây

Từ trung tâm xã Xuân Lập, đoàn chúng tôi cài xe máy số 1 rồ ga lên Khuổi Củng. Quãng đường 12 km không dài, nhưng cũng phải 'bò' mất 2 tiếng đồng hồ. Cho nên, Khuổi Củng vẫn được mệnh danh là nơi khó khăn nhất về đi lại của huyện vùng cao Lâm Bình. Đường đi khó, nhưng càng lên cao phong cảnh nơi đây càng đẹp hơn, con người thân thiện giàu bản sắc, khiến ai đã lên đây không muốn rời đi...

Quang cảnh thôn Khuổi Củng.

Quang cảnh thôn Khuổi Củng.

“Sapa” của Lâm Bình

Trong số 12 km đường đất dựng đứng lên Khuổi Củng, thôn huy động xe máy, đoàn ngựa thồ gùi cát, xi măng từ trung tâm xã lên làm đường bê tông được 3 km. Nguyên tắc con dốc nào cao, hiểm trở nhất thì được ưu tiên làm trước. Nhưng vào mùa mưa, đường vào thôn gần như bị cô lập do lầy lội, trơn trượt, độ dốc lớn. Ông Triệu Văn Liều, Trưởng thôn Khuổi Củng cho biết, thôn có 87 hộ với hơn 400 nhân khẩu, trong đó 70% là người Mông, 30% là người Dao Đỏ sống cheo leo trên các đỉnh núi cao. Địa danh này giáp với hai xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc của huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Độ cao của Khuổi Củng cũng trên 1.000 m so với mực nước biển, cao tương đương xã Hồng Thái (Na Hang). Với địa hình như vậy, Khuổi Củng quanh năm mát mẻ như SaPa. Bốn mùa ở đây mây phủ. Sáng nào mây cũng giăng kín bản, trên các con đường mòn.

Điều đó lý giải tại sao người dân Khuổi Củng thường có thói quen đi làm một tầm. Nghĩa là 9-10 giờ ăn cơm sáng xong mới đi làm, ăn cơm trưa tại nương và khoảng 3 giờ chiều mới về. Vì vậy, việc hẹn gặp cán bộ Khuổi Củng cũng phải căn cứ vào lịch làm việc trên. Trưởng thôn Khuổi Củng chỉ tay về phía ngọn núi cao mây đang bồng bềnh phủ trắng nói: “Đấy nhà báo xem, sáng ở đây mây rất nhiều. Phải có ánh nắng, gió thì mây mới tan được. Hơn nữa leo nương rất xa nên có ít người trong thôn muốn trở về nhà buổi trưa. Trước đây vài năm, Khuổi Củng còn chìm trong đêm tối, không có điện lưới quốc gia mọi hoạt động gần như khép kín”.

Đầu năm 2017, điện lưới quốc gia đã về tới Khuổi Củng, làm thay đổi mạnh mẽ
cuộc sống của người dân.

 Vẻ đẹp hoang sơ của Khuổi Củng tạo sức hút với nhiếp ảnh gia.

Vẻ đẹp hoang sơ của Khuổi Củng tạo sức hút với nhiếp ảnh gia.

Niềm vui với người dân Khuổi Củng gần như vỡ òa, đầu năm 2017 đường điện lưới quốc gia đã được kéo về thôn. Có điện, đời sống bà con đổi thay mạnh mẽ. Nhà nào cũng cố gắng sắm đài, ti vi, máy bơm nước, quạt. Một số nhà chạy máy xát, máy nghiền. Trẻ em vào buổi tối có điện để học bài. Nhờ có điện mà trạm viễn thông của Viettel mới hoạt động được. Sóng điện thoại, mạng 3G được thiết lập ở Khuổi Củng. Người dân có điện thoại thông minh giờ đây có thể biết tình hình trong và ngoài nước. Google.vn hỗ trợ đắc lực cho người dân tìm địa chỉ mua giống cây, tìm hiểu phương pháp chăn nuôi tốt, cách làm hay. Ngoài bí thư, trưởng thôn có báo in Tuyên Quang thì người dân có thể vào Báo Tuyên Quang điện tử (baotuyenquang.com.vn) nhanh chóng, thuận tiện.

Năm 2018 được sự hỗ trợ của tỉnh, cả thôn đồng lòng quyết tâm làm nhà văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giai đoạn 2016 - 2020. Việc đưa cấu kiện bê tông đúc sẵn lên thôn rất khó khăn, phải vận chuyển vào mùa khô. Thôn huy động thêm đội thanh niên trai tráng, ngựa, trâu mộng kéo để hỗ trợ đơn vị vận chuyển tăng bo từng đoạn. Một số đoạn quá dốc, ô tô phải dùng cáp tời để bảo đảm an toàn. Thế rồi nhà văn hóa theo thiết kế đã được hoàn thành với trị giá trên 400 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp một nửa. Giờ đây thôn đã có nhà văn hóa khang trang, khuôn viên, sân chơi thể thao rộng rãi, ai cũng phấn khởi. Do đường đi lại khó khăn nên thôn có điểm trường mầm non, tiểu học cắm bản, còn học sinh học THCS được ra trung tâm xã học bán trú.

Người Mông Khuổi Củng chế biến món Mèn mén đặc trưng của dân tộc (ảnh trái).
Phụ nữ thôn Khuổi Củng giữ gìn trang phục truyền thống (ảnh phải).

Bản du lịch homestay tương lai

Đến thời điểm này, Khuổi Củng vẫn là thôn vùng cao khó khăn nhất của huyện với 68/87 hộ nghèo. Thôn được hưởng chính sách vùng 135 và các chính sách ưu tiên, ưu đãi khác của tỉnh. Khó khăn là vậy, nhưng Khuổi Củng có phong cảnh tuyệt đẹp. Vào mùa này đứng từ trên cao, du khách có thể săn “biển mây” Khuổi Củng; chụp các thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ mùa con nước đổ. Vào mùa lúa chín, những sóng vàng chạy dài quanh chân núi. Thời tiết ở đây phù hợp cho bà con trồng rau bao, su su, bí, dưa, ngô, đậu và cây ăn quả như: Mận, cam, quýt; chăn nuôi lợn tên lửa, trâu, dê, ngựa và gà ta thả đồi…

Ông Sùng Mí Chính, dân tộc Mông, người có uy tín trong cộng đồng ở Khuổi Củng kể, người Mông ở thôn trước di cư ở huyện Xín Mần, Hà Giang xuống. Còn người Dao Đỏ là di cư từ xã Phúc Yên (Lâm Bình) sang. Sống với nhau trên mảnh đất này từ lâu rồi nhưng hai dân tộc luôn đoàn kết, hòa thuận, bổ sung, giao thoa văn hóa cho nhau. Đơn cử Trưởng thôn Triệu Văn Liều người Dao Đỏ lấy chị Sùng Thị Sầu là người Mông. Gia đình Trưởng thôn sống hạnh phúc, là tấm gương cho bà con noi theo. Ông Liều hiện là đảng viên tiêu biểu trong chi bộ có 15 đảng viên của thôn.

Điệu múa Khèn được người Mông Khuổi Củng lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Điệu múa Khèn được người Mông Khuổi Củng lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Năm nào cũng vậy, Lễ hội Lồng tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình được tổ chức đầu năm, cũng vang lên tiếng khèn Xuân Lập. Ở huyện vùng cao Lâm Bình nói đến dân tộc Mông phải nhắc đến Xuân Lập. Mà nói đến Xuân Lập thì không thể bỏ qua Khuổi Củng. Ông Giàng Thanh Trà, dân tộc Mông, người thổi khèn điêu luyện ở Khuổi Củng, cũng là thành viên đội văn nghệ thôn. Ông Trà đã đi tham gia biểu diễn nhiều nơi, truyền lại, giữ “lửa” văn hóa thổi khèn Mông cho lớp thanh niên trong thôn. Đội văn nghệ thôn có cả người Dao Đỏ và người Mông, ngoài thổi khèn, thì hát Páo dung cũng là một nội dung đặc sắc.

Ở Khuổi Củng giao thoa giữa hai nền văn hóa Mông-Dao nên văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực cũng rất phong phú. Người Mông có món thắng cố, mèn mén, bánh dày, đậu xị, thịt treo gác bếp, canh gà nấu gừng, rau cải nấu canh xương. Còn người Dao có đặc sản thịt trâu nướng, các món măng, rau bao, thịt lợn tên lửa ăn theo mẹt, thịt lợn muối... Người Dao nơi đây còn được mệnh danh là “vua” của các loài thuốc nam, bởi kinh nghiệm đi rừng. Bà con rất tỷ mẩn, cầu kỳ trong việc thiết kế, thêu thùa trang phục của dân tộc mình.

Mảnh đất Khuổi Củng còn rất hoang sơ. Vẻ đẹp nơi đây khiến nhiều nhiếp ảnh gia “lao tâm khổ tứ” để lên bằng được nơi này. Lên rồi lại không muốn xuống núi, bởi con người nơi đây rất thân thiện, hiếu khách. Ông Khổng Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lâm Bình dẫn đoàn lên Khuổi Củng khẳng định, trong những năm tới huyện sẽ quan tâm để Khuổi Củng làm nốt được tuyến đường bê tông lên thôn. Từ đây, sẽ mở ra một làng văn hóa du lịch homestay đặc sắc. Xã Xuân Lập có 5 thôn, thì có 2 thôn ở giáp cạnh nhau, văn hóa tương đồng là Khuổi Trang và Khuổi Củng. Bởi vậy, 2 thôn đều có tiềm năng phát triển du lịch homestay, phượt “săn mây” trong tương lai của huyện.

Chúng tôi rời Khuổi Củng trong chiều tà mà mây vẫn sà xuống đường như muốn níu kéo người ở lại. Hy vọng Khuổi Củng trên mây sẽ là hình ảnh quảng bá du lịch trong tương lai rất hấp dẫn đối với du khách.

Phóng sự: Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/khuoi-cung-tren-may-119427.html