Khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác đối với các thông tin quảng cáo
Bộ VHTTDL vừa có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hỗ trợ gửi tin nhắn tới người dùng mạng di động nhằm khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác đối với các thông tin quảng cáo.

Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ gửi tin nhắn tới người dùng mạng di động nhằm khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác đối với các thông tin quảng cáo
Theo đó, thực hiện Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 2.5.2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, Bộ VHTTDL đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan trong việc rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các nền tảng mạng xã hội, các xuất bản phẩm liên quan đến các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả theo quy định của pháp luật; tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quảng cáo, nhất là quảng cáo hàng hóa về thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm.
Để công tác phối hợp đảm bảo chất lượng, hiệu quả, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện chỉ đạo các đơn vị viễn thông hỗ trợ có tin nhắn miễn phí tới người dùng mạng di động (Viettel, Vinaphone, Mobiphone) nhằm khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác đối với các thông tin quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo về sữa, thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… để chọn lọc, đánh giá, kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi quyết định lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Đối tượng nhận tin nhắn là người dùng mạng di động, ưu tiên các tỉnh tập trung đông dân cư như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ… Thời gian gửi trong 2 ngày 30 và 31.5.2025.
Nội dung tin nhắn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo: Trong thời gian gần đây, tình trạng một số tổ chức, cá nhân, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội sai sự thật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Người dân cần nâng cao cảnh giác đối với các thông tin quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo về sữa, thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… để chọn lọc, đánh giá, kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi quyết định lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
*Trước đó, ngày 22.5.2025, Thứ trưởng Bộ VHTT&L Trịnh Thị Thủy đã ký ban hành Văn bản số 2258/BVHTTDL-VHCSGĐTV gửi Vụ Pháp chế; Thanh tra Bộ và các Cục: Nghệ thuật biểu diễn; Điện ảnh; Bản quyền tác giả; Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Báo chí; Xuất bản, In và Phát hành; Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện về việc triển khai nội dung chỉ đạo của Chính phủ về công tác quản lý đối với hoạt động quảng cáo.
Theo đó, thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15.5.2025 của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Công văn số 548/TTg-V.I ngày 17.5.2025; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17.5.2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Bộ VHTTDL đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Công văn số 1703/BVHTTDL-VHCSGĐTV ngày 18.4.2025 của Bộ VHTTDL về việc triển khai Công điện số 40/CĐ-TTg và Công văn số 1945/BVHTTDL-VHCSGĐTV ngày 5.5.2025 về việc triển khai Công điện số 55/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu, đề xuất bổ sung chế tài tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo; trong đó chú trọng đến các hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo theo thẩm quyền.