Khuyến cáo phòng, chống đuối nước và kỹ năng cứu người bị đuối nước

Thời gian gần đây, trên toàn quốc xảy ra nhiều vụ đuối nước khiến một số trường hợp, đặc biệt là trẻ em bị tử vong. Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an Tây Ninh khuyến cáo một số biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em và kỹ năng cứu người bị đuối nước.

Cần cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng bơi lội, xử lý tình huống khi bị đuối nước.

Cần cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng bơi lội, xử lý tình huống khi bị đuối nước.

Để phòng ngừa đuối nước cho trẻ em, cần dạy bơi và kỹ năng chống đuối nước cho trẻ. Đối với trẻ nhỏ, khi đi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, sử dụng điện thoại; phải mặc áo phao khi bơi; không cho trẻ nhai kẹo cao su khi bơi.

Nhà có trẻ nhỏ không nên để lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (ở vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên sử dụng nắp che đậy thật chặt để trẻ không mở nắp. Trường hợp nhà có hồ bơi phải rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không tự ý mở cửa, có hệ thống báo động khi trẻ em vào. Tại các sông, ao, hồ, kênh nước… phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm.

Cha mẹ phải thường xuyên giám sát, chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm, bơi lội tại các ao, hồ, sông, suối; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước để nâng cao tính cảnh giác. Khi gặp trường hợp nạn nhân bị đuối nước, nếu không biết bơi cần phải tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy tìm người biết bơi đến cứu; tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn.

Về kỹ năng cứu người bị đuối nước, tùy vào tình hình thực tế và năng lực của mỗi cá nhân mà có phương pháp, biện pháp cứu người bị đuối nước sao cho phù hợp. Để bảo đảm vừa cứu được người bị nạn và vừa an toàn cho người ứng cứu, có thể chia ra một số trường hợp cụ thể.

Trường hợp người tham gia cứu nạn không biết bơi hoặc biết bơi nhưng không đủ khả năng trực tiếp cứu người bị nạn, khi người tham gia cứu nạn không biết bơi thì cần phải bình tĩnh suy xét và nhanh chóng quan sát xung quanh tìm những vật có khả năng cứu người như cành cây, can nhựa, phao cứu sinh, dây thừng hoặc các vật thể nổi khác; sau đó đưa (hoặc quăng) các vật dụng đó đến vị trí người bị nạn để họ bám, víu rồi kéo dần người bị nạn vào bờ.

Trường hợp nạn nhân ở gần bờ, người cứu nạn có thể sử dụng tay hoặc cành cây để kéo nạn nhân lên bờ. Trường hợp vị trí của nạn nhân ở cách xa bờ, không thể sử dụng tay hoặc cành cây để cứu, khi đó có thể sử dụng các vật như phao tròn, dây thừng… nhanh chóng quăng đến vị trí người bị nạn để họ có thể bám vào phao, dây và bơi dần vào bờ. Trong trường hợp người bị nạn ở quá xa bờ, vượt khỏi tầm quăng đến của các phương tiện cứu nạn thì người cứu phải bằng mọi cách hô hoán, gọi cứu trợ để cứu người bị nạn một cách nhanh nhất có thể.

Khi người cứu nạn biết bơi nhưng chưa có kỹ năng cứu đuối nước, để cứu được nạn nhân, người cứu nạn phải sử dụng phao tròn (phao có dây kéo thì càng tốt) hoặc các vật thể nổi khác để bơi ra gần nạn nhân. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì ra ký hiệu cho nạn nhân bám vào phao rồi sau đó vừa bơi vừa kéo phao đưa nạn nhân vào bờ. Trường hợp nạn nhân đã đuối sức, người cứu nạn nên tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đưa phao (hoặc vật thể nổi) ra trước mặt nạn nhân, dùng 2 tay luồn dưới 2 nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao đã đặt phía trước, giữ cho đầu nạn nhân nổi và sau đó bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

Trong trường hợp không có phao hoặc các vật thể nổi, người cứu nạn có thể sử dụng một sợi dây thừng buộc quanh eo mình và để dư một đoạn có độ dài nhất định để cho nạn nhân bám vào (chiều dài phần dây dư khoảng từ 3 - 5 mét), đầu dây còn lại sẽ được cố định vào một điểm chắc chắn trên bờ hoặc do một người trên bờ giữ đầu dây. Khi bơi gần đến vị trí nạn nhân hãy hô to hoặc ra ký hiệu và quăng đầu dây đã để dư cho người bị nạn cầm, sau đó ra ký hiệu cho người trên bờ kéo dây vào hoặc người cứu nạn vừa bơi vừa co dây kéo theo nạn nhân di chuyển dần dần vào bờ.

Lưu ý, trong mọi trường hợp cứu đuối nước, nếu nạn nhân đang vùng vẫy mạnh thì người cứu nạn tuyệt đối không được trực tiếp ôm nạn nhân và không để nạn nhân bám vào người mình. Vì khi đó, nạn nhân đang bị hoảng loạn sẽ ôm và siết chặt có thể làm cho cả nạn nhân và người cứu nạn cùng bị đuối nước.

Trường hợp người cứu nạn biết bơi và có kỹ năng cứu đuối nước, người cứu nạn sẽ bơi tiếp cận từ phía sau nạn nhân, nếu nạn nhân nằm sấp thì tiến hành lật ngửa nạn nhân để phần mặt nhô cao hơn mặt nước. Tiếp đó, dùng 2 tay xốc vào nách nạn nhân từ phía sau rồi bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.Ngoài ra, người cứu nạn có thể dùng 2 tay ôm chặt 2 bên đầu nạn nhân, giữ cho nạn nhân nằm ngửa phần mặt nạn nhân nhô cao hơn mặt nước, người cứu bơi ngửa để đưa nạn nhân vào bờ.

Một số trường hợp khi nạn nhân gần chìm, tùy vào tình hình thực tế mà người cứu nạn có thể nắm cổ áo, nắm tóc nạn nhân từ phía sau và sử dụng kiểu bơi ếch nghiêng để kéo nạn nhân vào bờ. Lưu ý trong tất cả các trường hợp phải giữ cho mặt nạn nhân luôn ngửa và nổi trên mặt nước.

Phương Thảo

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/khuyen-cao-phong-chong-duoi-nuoc-va-ky-nang-cuu-nguoi-bi-duoi-nuoc-a159549.html