Khuyến công thúc đẩy sản xuất

Những năm qua, hoạt động khuyến công luôn được huyện Phú Lương quan tâm, chú trọng thực hiện. Qua đó, không chỉ góp phần 'tạo đà' cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phát triển mà còn thúc đẩy giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Được sự hỗ trợ từ nguồn khuyến công của nhà nước, người dân Làng nghề chè cụm Khe Cốc xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh đã có điều kiện mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến chè.

Được sự hỗ trợ từ nguồn khuyến công của nhà nước, người dân Làng nghề chè cụm Khe Cốc xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh đã có điều kiện mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến chè.

Xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời gian qua, UBND huyện Phú Lương đã tích cực chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn để xây dựng và thực hiện Đề án phát triển CN-TTCN và làng nghề huyện Phú Lương giai đoạn 2016-2020. Trọng tâm của Đề án là triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích và tạo đà cho sự phát triển của CN-TTCN, đặc biệt là sản xuất, chế biến chè - sản phẩm chủ lực của địa phương.

Một trong những giải pháp được huyện thực hiện trong thời gian qua là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN. Theo đó, cùng với nguồn hỗ trợ khuyến công của tỉnh, hằng năm, UBND huyện cũng quan tâm phân bổ nguồn lực để khuyến khích các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; hộ cá thể thuộc các làng nghề, hợp tác xã đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất… Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, đã có 14 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện được hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất với số kinh phí gần 4,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện trên 1,5 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ này đã kịp thời khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Ông Lê Văn Dần, Trưởng xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh cho biết: Trước đây, bà con trong xóm chủ yếu chỉ làm chè theo phương pháp thủ công, sử dụng tôn quay, máy vò bằng sắt. Điều này khiến chất lượng và giá trị sản phẩm chè chưa cao. Sau khi được công nhận Làng nghề chè vào năm 2012, người dân trong xóm nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh, huyện để mua sắm máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến chè như: tôn quay, máy vò inox; máy bơm; máy hút chân không… Nhờ đó, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè ngày càng được nâng cao. Đến nay, năng suất chè của xóm đạt khoảng 120 tấn chè búp tươi/ha/năm (tăng 30% so với năm 2015), giá bán chè cũng tăng từ 1,5-2 lần so với trước đây. Không chỉ vậy, việc hỗ trợ của Nhà nước cũng đã góp phần làm thay đổi nhận thức, khuyến khích người dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Đến nay, gần 99% hộ làm chè trong xóm đã sử dụng tôn quay, máy vò inox.

Bên cạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất, những năm gần đây, công tác giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của các làng nghề, hợp tác xã, đơn vị cũng được huyện Phú Lương quan tâm. Theo đó, hàng năm, UBND huyện đều phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các lễ hội và hội chợ trong và ngoài huyện như: Lễ hội Đền Đuổm, Lễ hội và Ngày hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương, Hội chợ mỗi xã, phường một sản phẩm… Ngoài ra, để khuyến khích các cơ sở sản xuất CN-TTCN phát triển, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào mô hình sản xuất sạch, phát triển CN-TTCN theo hướng bền vững...

Thực tế triển khai cho thấy, công tác khuyến công trên địa bàn huyện Phú Lương đã đem lại những hiệu quả nhất định, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Qua thống kê, toàn huyện hiện có gần 1.200 cơ sở CN-TTCN, tạo việc làm cho gần 2.200 lao động với thu nhập bình quân khoảng 36 triệu đồng/người/năm.

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác khuyến công trong thời gian tới, ông Nguyễn Huy Hà, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lương cho hay: Trong giai đoạn tới, bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn vốn thông qua thu hút đầu tư; tổ chức các hoạt động khuyến công có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận với nguồn vốn khuyến công nhất là trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…

Phan Trang

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/khuyen-cong-thuc-day-san-xuat-282528-108.html