Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về 'Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung' do đồng chí Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký và ban hành ngày 22/9/2021 (Kết luận số 14) không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho người cán bộ trong mọi mặt công tác và cuộc sống mà còn được coi như tấm khiên, lá chắn để bảo vệ cán bộ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn. Tinh thần ấy đã được thổi vào vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng, thúc đẩy giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách... Qua đó, tạo sự ' đột phá', quyết liệt trong điều hành, tạo nên những khởi sắc, được Nhân dân đồng thuận, tin tưởng.
Bài 1: Từ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” đến “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá”
Có thể nói, trong hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước cho thấy: Việc cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” có vai trò quan trọng không chỉ đối với vấn đề hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn có tác động không nhỏ tới sự phát triển của đất nước nói chung và mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Lâm - một người dân sống ở Đà Lạt đã hơn 60 năm qua, phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: “Phải nói là Đà Lạt - Lâm Đồng hôm nay đã thật sự đổi thay. Hàng ngày, chúng tôi đều đi bộ quanh hồ Xuân Hương để ngắm cảnh, rèn luyện sức khỏe. Chúng tôi thấy hạnh phúc, thấy mừng vì thành phố Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng của chúng ta nói chung có bước phát triển vượt bậc. Điển hình như việc “đột phá” quyết liệt trong triển khai các nút giao thông trọng yếu của thành phố và sử dụng tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ. Nhiều tuyến đường lớn của thành phố như Trần Phú, Quang Trung, Phan Đình Phùng... từng bước được đầu tư nâng cấp rất sạch đẹp. Công tác lập lại trật tự đô thị được quan tâm. Chúng tôi phấn khởi khi được biết Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư nhiều tuyến đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Dầu Giây - Liên Khương, mở rộng đèo Prenn, khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, mở thêm nhiều đường bay từ Đà Lạt đi các nước..., tương lai sẽ mở ra sự phát triển vượt bậc cho tỉnh Lâm Đồng của chúng ta. Chúng tôi cũng nhận thấy sự điều hành quyết liệt và sự tận tâm trách nhiệm vì dân của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố Đà Lạt trong thời gian gần đây”.
Tại Lâm Đồng, ngay sau khi có Kết luận số 14, Tỉnh ủy đã có văn bản số 1335 ngày 16/3/2022 về quán triệt Kết luận số 14 của Bộ Chính trị. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có Công văn hướng dẫn số 809 ngày 18/4/2022 gửi các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng... về việc đăng ký mô hình mới, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo tinh thần chỉ đạo chung của Tỉnh ủy: việc quán triệt Kết luận 14 gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cần quan tâm, động viên, khuyến khích, tạo động lực, môi trường, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy cán bộ mạnh dạn đề xuất ý tưởng mới, sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng hết sức vì Nhân dân phục vụ...
Từ tinh thần ấy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, mà trực tiếp chỉ đạo là đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Trưởng Ban, đã tập trung chỉ đạo đổi mới ngay từ khâu xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên: không thẩm định, đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với TCCS đảng, đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý không có sản phẩm trong thực hiện các mô hình mới, cách làm sáng tạo theo Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy và ý tưởng mới, sáng tạo theo tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.
Trong đó, đi đầu trong đổi mới sáng tạo tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy trên lĩnh vực tổ chức, cán bộ đó là Ban đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng đề án, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng và tập huấn khai thác, sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (OMS) trong toàn tỉnh, tạo sự liên thông giữa khối Đảng - Đoàn thể với với khối Chính quyền; giữa cấp tỉnh và cấp huyện. Hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, luân chuyển, điều động cán bộ chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử...
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông cho biết: “Cần chỉ đạo thực hiện tốt việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý năm 2022. Lưu ý không thẩm định, đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý không có sản phẩm trong thực hiện các mô hình mới, cách làm sáng tạo theo Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 16/12/2021 của Tỉnh ủy và ý tưởng mới, sáng tạo theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị”.
Quyết tâm thực hiện nội dung quan trọng này, đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đăng ký 73 mô hình. Điển hình như thành phố Đà Lạt với Mô hình “Đổi mới phương pháp triển khai và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Thành ủy”, Mô hình “Đổi mới cách trồng cây phân tán trên địa bàn thành phố Đà Lạt nhằm hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ”.
Hay như Huyện ủy Đạ Huoai với Mô hình sáng tạo “Xây dựng tác phong làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, làm việc theo kế hoạch, xác định rõ nội dung công việc và thời gian cụ thể; chấp hành nghiêm nội quy, quy chế và chế độ công vụ; đề cao tính phối hợp trong quá trính tổ chức, triển khai thực hiện với phương châm 4 rõ “Rõ nhiệm vụ, rõ giải pháp, rõ thời gian, rõ người thực hiện”. Theo đó, Huyện ủy đã thành lập Tổ công tác 12, phân công nhiệm vụ các đồng chí huyện ủy viên, cán bộ, công chức các cơ quan tham mưu giúp việc của Huyện ủy phụ trách các tổ chức cơ sở đảng, bố trí thời gian mỗi quý phải có ít nhất 1 lần đến dự sinh hoạt chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở nơi được phân công phụ trách nhằm hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm, động viên tinh thần trách nhiệm của đảng viên nhằm phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ cơ sở với phương châm “Nhiệt huyết, trách nhiệm, cụ thể, hiệu quả”.
Các mô hình đáng chú ý khác là “Ngày Chủ nhật cùng Nhân dân” của Huyện ủy Đạ Tẻh. Theo đó, mỗi tháng tổ chức một đợt công tác xã hội, hỗ trợ cho 1 xã làm công tác dân vận. Huyện ủy Di Linh linh hoạt sáng tạo trên cơ sở thực tế đòi hỏi với Mô hình “Ngày thứ Bảy vì công tác giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai” nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân có nhu cầu liên quan đến đất đai.
Tại huyện Đức Trọng thực hiện mô hình sáng tạo, đổi mới so với trước đây như “Ban Thường vụ Huyện ủy kết luận về tiêu chuẩn chính trị cho quần chúng trước khi xem xét quyết định kết nạp Đảng, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên”. Đây là cơ sở quan trọng cho công tác cán bộ mang tính chiến lược về sau.
Nghị quyết đại hội có đi vào cuộc sống hay không cũng chính là nhờ vào phần lớn công tác cán bộ. Cán bộ có quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hay không thì thực tế sẽ chứng minh. Nhân dân sẽ là người giám sát cán bộ một cách minh bạch và công tâm nhất.
(CÒN NỮA)