Khuyến khích cá nhân làm từ thiện, nhưng phải công khai, minh bạch
Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định khuyến khích cá nhân làm từ thiện, nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch.
Không sử dụng tiền từ thiện chi trả cho quá trình vận động, trao quà Chế tài chặt để quản lý minh bạch nguồn tiền huy động từ thiện Không được đặt mức tối thiểu khi vận động hỗ trợ từ thiện
Khắc phục những bất cập trong hoạt động từ thiện
Nghị định số 64/2008/NĐ-CP được Chính phủ ban hành từ năm 2008, với các quy định tại nghị định, thông qua các tổ chức, đơn vị đã kêu gọi, vận động nguồn đóng góp tự nguyện, đã góp phần hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã phát sinh một số bất cập, như đã không còn phù hợp với một số luật hiện hành có liên quan. Bên cạnh đó, trên thực tế công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện thời gian qua, đặc biệt là trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 cho thấy nghị định đã chưa bao quát hết các đối tượng; chưa điều chỉnh đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện vận động, tài trợ. Nội dung chi hỗ trợ còn chưa rõ ràng, cụ thể, chưa bao quát hết công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Khuyến khích cá nhân làm từ thiện, nhưng phải công khai, minh bạch. Ảnh: TL.
Ngoài ra, thời gian để tổ chức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện sau mỗi đợt thiên tai, sự cố theo quy định còn ngắn, chưa đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện. Cơ chế phối hợp giữa Ban Vận động (cơ quan do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành lập) với các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn ở địa phương trong công tác này được quy định chưa rõ, dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; chưa có quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan tại địa phương với tổ chức, cá nhân vận động, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.
Tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP, các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công khai, minh bạch hoạt động vận động, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện chưa đầy đủ.
Để khắc phục những bất cập, vướng mắc nêu trên, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Cá nhân phải công khai khi kết thúc hoạt động từ thiện
Nghị định mới này quy định thống nhất và cụ thể hơn các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ quan kêu gọi vận động, thời gian vận động, tiếp nhận, các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện; tránh chồng chéo trong việc triển khai thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối.
Nghị định quy định phải đảm bảo vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện hiệu quả, kịp thời; khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, việc vận động, tiếp nhận và phân phối, đảm bảo công khai, minh bạch.
Điểm mới của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP so với quy định trước đó, đó là, về phạm vi hỗ trợ, ngoài việc vận động, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, bổ sung thêm quy định về khắc phục khó khăn do dịch bệnh từ nguồn đóng góp tự nguyện.
Về đối tượng được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, bổ sung thêm đối tượng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân.
Quy định cụ thể nội dung chi từ nguồn vận động, tiếp nhận, trừ các khoản đóng góp tự nguyện có điều kiện, địa chỉ cụ thể, thì tổ chức, cá nhân vận động có trách nhiệm thực hiện theo cam kết. Về thời gian tiếp nhận, phân phối, nghị định quy định kéo dài thời gian tham gia vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.
Đối với việc tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân còn bổ sung các quy định, như: trước khi vận động, có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông hoặc trang thông tin điện tử về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tiếp nhận, đối tượng hỗ trợ, thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã (nơi đặt trụ sở chính đối với tổ chức, nơi cư trú đối với cá nhân).
Đối với từng cuộc vận động, việc huy động đóng góp bằng tiền sẽ mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận và không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết. Đối với cá nhân huy động đóng góp bằng hiện vật, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận.
Nghị định mới này cũng quy định rõ việc phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
Trong quá trình thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm theo dõi, ghi chép các khoản thu, chi và khi kết thúc cuộc vận động, thực hiện công khai về kết quả vận động, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/12/2021./.
Cá nhân phải phối hợp với địa phương phân phối từ thiện
Về trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương để thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện trên địa bàn, Nghị định quy định rõ: đối với nguồn đóng góp tự nguyện do Ủy ban MTTQ Việt Nam kêu gọi, tiếp nhận, Ban Vận động chủ trì, phối hợp UBND các cấp tại địa phương để quyết định nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ; phân bổ, sử dụng hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn.
Đối với nguồn đóng góp tự nguyện do tổ chức có tư cách pháp nhân, cá nhân kêu gọi, tiếp nhận, UBND các cấp tại địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban Vận động hướng dẫn tổ chức, cá nhân vận động để xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và phối hợp để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện. Đồng thời, cử lực lượng hỗ trợ khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân vận động, tiếp nhận.