Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm

Bộ Nội vụ vừa có dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm cần thiết, là yếu tố quyết định nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính.

Vì sao phải ra đời Nghị định này? Thực tiễn cho thấy, trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của không ít cán bộ còn nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc do một số quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa hoàn thiện, có quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất hoặc liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn.

Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi. Điều này khiến cho cán bộ còn chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm, vi phạm, hạn chế, thiếu sót.

Ngược dòng lịch sử, đã có nhiều điển hình dám nghĩ, dám làm như chuyện khoán chui của Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng; chuyện tiền tệ hóa đồng lương thay vì tem phiếu của Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính. Rồi sáng kiến khoán sản phẩm của ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú... Đều là những sáng kiến ích nước, lợi dân nhưng việc “dám làm” khi chưa có tiền lệ đã khiến cán bộ bị kỷ luật khá nặng.

Rõ ràng, đổi mới, sáng tạo luôn là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong quá trình đổi mới đất nước. Tuy nhiên, nếu chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ và đặc biệt là thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót thì việc phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ vẫn còn những hạn chế nhất định.

Từ thực tế trên, cơ chế khuyến khích, bảo vệ quy định tại Nghị định này được áp dụng khi nội dung đề xuất đáp ứng một trong các điều kiện như: Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn và không ảnh hưởng tiêu cực đến quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nội dung đề xuất có khả năng tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo sự bứt phá, chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị; không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị khác.

Sau khi báo chí thông tin, nội dung dự thảo Nghị định trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Có ý kiến cho rằng, việc quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm là tốt. Nhưng điều mấu chốt không phải là quy định nào, mà là tuyển chọn và sử dụng cán bộ nào. Nếu cán bộ là người giỏi, bản lĩnh thực sự thì họ luôn dám nghĩ, dám làm; còn nếu cán bộ yếu năng lực thì chắc chắn chỉ luôn xin ý kiến và không dám làm gì, chỉ "sáng cắp ô đi tối cắp về" mà thôi.

Còn ý kiến khác thì lưu ý, để cơ chế trở thành động lực thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm thì tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải thật sự có tâm trong ứng xử với mọi người; có tầm trong lãnh đạo, điều hành, quyết đoán nhưng không độc đoán và phải là trung tâm đoàn kết của cơ quan,… Nếu không, cơ chế cũng chỉ nằm trên giấy.

Trần Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/403665/khuyen-khich-can-bo-dam-nghi-dam-lam.html