Khuyến khích công đức bằng tiền theo hình thức chuyển khoản

Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Thông tư Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Điểm đáng chú ý ở dự thảo Thông tư là quy định mở tài khoản công đức. Dự thảo Thông tư nêu rõ, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích tiếp nhận công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích và hoạt động lễ hội.

Trường hợp cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại để tiếp nhận và quản lý tiền công đức, tài trợ nhưng khi sử dụng cho công tác tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội phải chuyển về tài khoản của đơn vị mở tại Kho bạc Nhà nước để quản lý việc chi tiêu và quyết toán.

Trong dự thảo Thông tư lần này, Bộ Tài chính khuyến khích công đức bằng tiền theo hình thức chuyển khoản, phương thức điện tử.

Có khu vực tiếp nhận công đức trong di tích; mở sổ sách ghi chép đầy đủ, chính xác từng khoản công đức đã tiếp nhận; ghi phiếu công đức theo đề nghị của người làm công đức. Việc quản lý tiền trong hòm công đức thực hiện theo quy định.

Tùy theo lượng tiền tiếp nhận (bao gồm số tiền tiếp nhận trực tiếp và số tiền trong hòm công đức), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm kê; khi số tiền tiếp nhận được từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở quản lý di tích phải nộp vào tài khoản tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước.

Dự thảo Thông tư nêu rõ các nội dung chi từ tiền công đức; quy định rõ báo cáo quyết toán việc sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích. Trường hợp cơ sở quản lý di tích là cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì cơ quan, đơn vị được giao quản lý di tích có trách nhiệm thực hiện chế độ kế toán theo pháp luật về kế toán. Trường hợp cơ sở quản lý di tích là cá nhân, người đại diện, ban quản lý (không phải là pháp nhân) thì không phải báo cáo quyết toán thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích với ngân sách nhà nước nhưng phải mở sổ sách theo dõi các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khuyen-khich-cong-duc-bang-tien-theo-hinh-thuc-chuyen-khoan-561007.html