Khuyến khích điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở để tự sử dụng
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo về nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam.
Phát triển điện mặt trời mái nhà phải phù hợp
Đây là Dự thảo về nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Cụ thể, là những cơ quan công sở, cá nhân tại Việt Nam đã có hợp đồng sử dụng điện, thỏa thuận đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối.
Theo Bộ Công Thương, về phát triển điện mặt trời: Với các trường hợp điện mặt trời mái nhà phải phù hợp với Quyết định 500/QĐ- TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 500).
Tổng quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở trên cả nước đến năm 2030 khoảng 2.600MW hoặc phấn đấu có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà (tùy vào điều kiện được quy định).
Bộ Công Thương cho biết nguồn điện "tự sản, tự tiêu" là tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia, không đấu nối, liên kết với lưới điện quốc gia thì công suất phát triển có thể không giới hạn.
Đối với ý kiến chỉ đạo làm rõ về nội hàm "tự sản, tự tiêu", Bộ Công Thương đã nêu ý kiến tại Báo cáo số 160/BC-BCT, cụ thể: Hiện nay, pháp luật về điện lực chưa có quy định nguồn điện tự sản, tự tiêu. Tuy nhiên, tại khoản 2 Mục II Điều 1 Quyết định số 500 có nêu "điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia)”.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng tự sản, tự tiêu để tiêu thụ tại chỗ (cùng địa chỉ lắp đặt điện mặt trời mái nhà hay tiêu thụ cho chính phụ tải sau công tơ đo đếm điện có cùng địa chỉ lắp đặt điện mặt trời mái nhà).
Trường hợp, nguồn điện tự sản, tự tiêu có đấu nối hay liên kết (đấu nối sau công tơ đo đếm điện) với lưới điện quốc gia nhưng không bán điện vào hệ thống điện thì tổng công suất tăng thêm trên cả nước đến năm 2030 khoảng 2.600 MW (để bảo đảm cơ cấu nguồn điện nêu tại điểm c khoản 1 Mục III Quyết định số 500).
Trường hợp, nguồn điện tự sản, tự tiêu không đấu nối hay không liên kết với lưới điện quốc gia thì công suất phát triển đến năm 2030 có thể không giới hạn theo yêu cầu nêu tại điểm c khoản 1 Mục III Quyết định số 50 "Nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất". Trong trường hợp này có thể xem xét cho phép các tổ chức mua bán điện với điều kiện cả nguồn phát – phụ tải không có sự liên kết với lưới điện quốc gia.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất đưa nội hàm “tự sản, tự tiêu” vào chương trình xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý áp dụng trong thực tiễn, dễ quản lý, kiểm tra, giám sát.
Với lý do như vậy, dự thảo này chỉ áp dụng khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở có liên kết với lưới điện quốc gia mà không phải thực hiện thỏa thuận đấu nối.
Các trường hợp trên sẽ được hưởng chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí theo quy định. Các cơ quan nhà nước có liên quan ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tại cơ quan công sở.
Cơ chế khác cho nguồn điện tự sản, tự tiêu
Đối với ý kiến chỉ đạo “làm rõ hơn cơ sở khoa học, thực tiễn của việc đề xuất các nội hàm cơ bản định hướng xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phát trien điện mặt trời mái nhà”, Bộ Công Thương lý giải, về cơ sở khoa học, nguồn điện mặt trời mái nhà là nguồn điện đuợc sản xuất từ hệ thống trang bị điện, trong đó có các tấm quang điện để biến đổi quang năng (năng lượng bức xạ mặt trời) thành điện năng. Như vậy, hoạt động của nguồn điện mặt trời hoàn toàn phụ thuộc vào thoi tiết (nắng, mây, mưa, ngày - đêm).
Khi có bức xạ mặt trời, thông qua các trang bị điện, nguồn điện đuợc sinh ra và cấp cho phụ tải. Khi không có bức xạ mặt trời, tấm quang điện không nhận được năng lượng, dẫn đến không có nguồn điện cấp cho phụ tải. Trong trường hợp đó, phụ tải cần hệ thống lưới điện quốc gia cung cấp lượng diện thiểu hụt để duy trì hoạt động.
Khi điều kiện thời tiết thay đổi, công suất điện mặt trời có sự thay đổi theo và công suất cấp từ lưới điện cũng thay đổi để bảo đảm duy trì hoạt động cho phụ tải. Theo đó, nguồn điện mặt trời cần thiết có sự liên kết với lưới điện quốc gia, đây là giải pháp tối ưu nhất cho sự phát triển điện mặt trời mái nhà. Do đó, về mặt vật lý, sự phát triển điện mặt trời mái nhà cần thiết phải liên kết với lưới điện quốc gia.
Từ thực tiễn, Bộ Công Thương cho biết từ năm 2020 đến nay, cả nước có khoảng 200 MWp hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt (số liệu này Bộ Công Thương tổng hợp từ các tỉnh (42/63 tỉnh thành) báo cáo về tình hình lắp đặt điện mặt trời mái nhà sau năm 2020. Đáng chú ý, vào giờ cao điểm hệ thống này tận dụng được lợi thế, góp phần bảo đảm cung ứng điện, giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Bộ Công Thương kiến nghị có cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, nhưng được nối lưới với hệ thống điện quốc gia.
Các đối tượng khác như điện mặt trời tự sản, tự tiêu, điện mặt trời trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp thực hiện theo cơ chế, chính sách khác, ví dụ như mua bán điện trực tiếp.
Trước đó, tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra 3 mô hình phát triển nguồn điện này, bao gồm: Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà xưởng; điện mặt trời mái nhà không liên kết lưới điện quốc gia.