Khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất công nghiệp quốc phòng
Lịch sử dân tộc Việt Nam cho thấy, sức mạnh của Quân đội Việt Nam nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng luôn là biểu hiện sức mạnh của nhân dân, của thời đại.
Nhân dân ta dù ở thời đại nào cũng sẵn lòng góp công, góp sức xây dựng Quân đội đủ mạnh để đập tan mọi bè lũ bán nước và cướp nước. Đóng góp của nhân dân dành cho Quân đội không chỉ có nhân lực, lương thực, thực phẩm, vải vóc, quần áo mà cả vũ khí, trang thiết bị quân sự, như cung, tên, chông, gươm, đao, kiếm, giáo... Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam đã sáng tạo, cải tiến nhiều loại vũ khí, trang thiết bị quân sự phục vụ Quân đội.
Trong thời đại mới, nhiều người dân Việt Nam đã thể hiện trí thông minh vượt trội khi có khả năng chế tạo, lắp ráp máy bay, tàu ngầm và nhiều loại máy móc, trang thiết bị hiện đại khác. Những phát minh, sáng chế, sáng kiến của người Việt Nam hoàn toàn có thể được nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trong sản xuất công nghiệp quốc phòng.
Việt Nam cũng đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn, siêu lớn, có tính chất như tập đoàn sản xuất. Những doanh nghiệp này nắm giữ đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân rất giỏi; có dây chuyền sản xuất hiện đại; có nhiều sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm công nghiệp quốc phòng.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuẩn bị cho các cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo, sự phát triển của công nghệ thông tin với nền tảng trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng mạnh mẽ và phổ biến. Chiến tranh cũng sẽ ngày càng thay đổi cả về phương thức tác chiến lẫn mục tiêu tấn công. Trong đó, chiến tranh mạng và tác chiến điện tử sẽ ngày càng nhiều hơn. Trong lĩnh vực này, ở khu vực dân sự, chúng ta có nguồn nhân lực và vật lực rất lớn.
Trên thế giới, rất nhiều nước đã phát triển công nghiệp quốc phòng dựa trên sự kết hợp giữa doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng nòng cốt và doanh nghiệp dân sự phát triển sản phẩm phục vụ công nghiệp quốc phòng. Boeing, General Motors là những ví dụ điển hình.
Do vậy, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nên bổ sung chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp. Tất nhiên, hoạt động này cần đặt dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ Quốc phòng, để bảo đảm an toàn, bí mật quân sự.