Khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa biến ý tưởng thành tài sản trí tuệ
Năm 2021, thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới (26-4) là 'Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với SHTT: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường'. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) để hiểu rõ vai trò của SHTT đối với DNNVV.
Sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt trong đổi mới sáng tạo
Phóng viên (PV): Ý nghĩa của thông điệp Ngày SHTT thế giới năm nay là gì, thưa ông?
Ông Đinh Hữu Phí: DNNVV đóng vai trò quan trọng trong duy trì tăng trưởng, bảo đảm tính bền vững cho nền kinh tế. Vì vậy, thông điệp Ngày SHTT thế giới năm nay dành sự tôn vinh cho DNNVV với những đóng góp lớn lao cho nền kinh tế thế giới và khuyến khích DNNVV mạnh dạn biến ý tưởng thành tài sản trí tuệ (TSTT). Một ý tưởng trở thành TSTT có thể dẫn hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN), sự phục hồi của nền kinh tế và sự tiến bộ của nhân loại.
PV: Ông đánh giá vai trò của SHTT đối với DNNVV trong bối cảnh hiện nay như thế nào?
Ông Đinh Hữu Phí: Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, khi sở hữu nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và nhiều ý tưởng sáng tạo. Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, SHTT đóng vai trò then chốt và là công cụ hữu hiệu hỗ trợ các DNNVV vươn lên trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nắm bắt cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. SHTT đồng hành cùng DN trong suốt quá trình tạo lập, bảo vệ và khai thác TSTT, từ đó tạo ra thương hiệu có giá trị và những nguồn doanh thu lớn từ hoạt động sáng tạo, góp phần nâng cao vị trí của DN trên thị trường. Tuy nhiên, phải thừa nhận đa số các DNNVV vẫn chưa coi SHTT là một trong những vấn đề ưu tiên và cần thiết trong kế hoạch phát triển dẫn tới nhiều DN đã bỏ lỡ những cơ hội đáng ra có thể thu được nhiều lợi nhuận từ quyền SHTT.
Áp dụng kiểm toán để định giá và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ
PV: Thời gian tới, Cục SHTT sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ DN sử dụng tốt nhất công cụ SHTT?
Ông Đinh Hữu Phí: Cục SHTT sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất để hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm góp phần thuận lợi hóa hoạt động của DN, giúp DN giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền SHTT. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10-2021 được xây dựng theo hướng bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật SHTT. Bên cạnh đó, là cơ quan đầu mối hướng dẫn triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030 và quản lý chung hoạt động của Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030, Cục SHTT sẽ có những tư vấn cho các địa phương và cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả hai văn bản quan trọng này.
Cục SHTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao năng lực của hệ thống xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Bên cạnh việc không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cục, thì các quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng được xây dựng theo hướng ngày một đơn giản hóa, thân thiện với người sử dụng và DN. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, nâng cao chất lượng xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, việc gia nhập các hệ thống đăng ký quốc tế sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hỗ trợ hiệu quả việc bảo hộ, khai thác quyền SHTT tại nước ngoài cho DN Việt Nam. Ngoài ra, cục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của DN về vai trò của SHTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
PV: Về phía DN cần làm gì để tận dụng được tiềm năng cũng như khai thác hiệu quả TSTT của mình, thưa ông?
Ông Đinh Hữu Phí: DN cần nhận diện các TSTT có giá trị của mình như: Thông tin, ý tưởng sáng tạo, bí quyết, công nghệ, uy tín thương mại... để bảo vệ và khai thác chúng một cách hiệu quả. Nói một cách bài bản hơn là các DN cần kiểm toán TSTT, nghĩa là rà soát một cách có hệ thống các TSTT mà DN đang sở hữu, sử dụng hoặc tiếp nhận để có sự đánh giá, từ đó đưa ra phương thức quản lý hữu hiệu nhất.
Quan trọng hơn là DN cần hiểu rõ vai trò của SHTT đối với sự phát triển của mình, biết cách sử dụng công cụ SHTT để tạo ra các TSTT mới, kịp thời bảo hộ quyền SHTT ở những thị trường tiềm năng để có lợi thế cạnh tranh. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nếu các sáng chế, giải pháp hữu ích được tạo ra, xác lập quyền nhưng không kịp thời ứng dụng, khai thác thì TSTT đó có thể trở nên mất giá trị và sẽ bị thay thế bởi công nghệ tiên tiến hơn. TSTT cần tiếp tục phát triển dựa trên nỗ lực tạo dựng uy tín và nâng cao chất lượng sản phẩm. Có như vậy, Việt Nam mới có thêm những thương hiệu nổi tiếng trên trường quốc tế.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!