Khuyến khích hộ kinh doanh tham gia chương trình OCOP

Nhiều sản phẩm OCOP ở các địa phương được giới thiệu và bán tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp năm 2023. Ảnh: NGỌC HÂN

Để khuyến khích hộ kinh doanh (HKD) tự tin tham gia, phát triển sản phẩm OCOP, các cấp, ngành đã và đang tích cực hỗ trợ các hộ hoàn thiện những thủ tục cần thiết, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với nhiều tiêu chuẩn khá khắt khe được xem là thử thách lớn đối với HKD các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ, khuyến khích tham gia

Nhiều năm gắn bó với nghề làm mắt cá ngừ chưng cách thủy, gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở phường 5 (TP Tuy Hòa) đã có nhiều cơ sở, đối tác tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ tự do, chưa tạo được uy tín, chứng nhận chất lượng nên đầu ra sản phẩm chưa ổn định, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại. “Sau khi tham gia lớp tập huấn về OCOP, tôi biết rằng đây chính là cách nhanh nhất để sản phẩm của gia đình tiêu thụ ổn định và có chỗ đứng trên thị trường”, ông Nguyễn Văn Dũng, chủ HKD Mèo bán hải sản cho hay.

Theo ông Dũng, mặc dù đã có thâm niên sản xuất mắt cá ngừ chưng cách thủy nhưng ông vẫn chưa có kiến thức về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, những tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, tác động tới môi trường, hồ sơ chứng minh nguồn gốc sản phẩm... vẫn chưa hoàn thiện. Chính vì vậy, khi bắt tay vào xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ông Dũng gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm phát triển sản phẩm truyền thống của gia đình thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh, được sự hỗ trợ từ Phòng Kinh tế TP Tuy Hòa, gia đình ông đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tham gia chương trình. Kết quả, sản phẩm mắt cá ngừ chưng cách thủy của gia đình ông Dũng vừa được xét công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh chất lượng 3 sao.

Được cơ quan chuyên môn đánh giá cao, song các sản phẩm ngũ cốc của HKD Nguyễn Thị Quỳnh Như ở xã An Cư (huyện Tuy An) vẫn chưa đạt tiêu chí để công nhận là sản phẩm OCOP. Hiện chị Như đã đăng ký nhãn hiệu, xây dựng kế hoạch, quy trình sản xuất sản phẩm, nhưng gặp khó khăn trong việc thực hiện những tiêu chí “mềm” giúp nâng hạng sao, thuộc tiêu chí sức mạnh cộng đồng và khả năng tiếp thị sản phẩm. Theo chị Như, chương trình OCOP hướng tới sự vượt trội của chất lượng và đồng bộ về khả năng tổ chức, tiêu thụ sản phẩm nhưng đối với hộ sản xuất nhỏ lẻ, điều này là rất khó khăn. Để hỗ trợ các sản phẩm của HKD phát triển thành sản phẩm OCOP, UBND huyện Tuy An đã hướng dẫn thủ tục hồ sơ và hỗ trợ gia đình chị Như đưa sản phẩm tham gia trưng bày triển lãm để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Với những hỗ trợ thiết thực và sự nỗ lực của các chủ thể, toàn tỉnh hiện có 70 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 29 sản phẩm của HKD, các sản phẩm này đều xếp hạng 3 sao. Tiêu biểu có HKD Võ Thị Thanh Tuyền ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, HKD Lương Thị Huỳnh Triểm ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh... Hầu hết sản phẩm của các HKD sau khi được gắn sao OCOP đều có thị trường tiêu thụ ổn định, doanh thu tăng gấp đôi so với khi chưa được công nhận.

Để sản phẩm OCOP lan tỏa

Tại TP Tuy Hòa, chính quyền địa phương đang tích cực quy hoạch sản xuất theo chuỗi liên kết để hình thành các sản phẩm nông sản đặc trưng theo hướng OCOP. Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: “Xây dựng thương hiệu theo chương trình OCOP đang là con đường hiệu quả để các sản phẩm của TP Tuy Hòa sớm có mặt trên thị trường và được người tiêu dùng tiếp nhận. Đến nay, thành phố đã xây dựng và phát triển được 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Hiện TP Tuy Hòa tiếp tục hỗ trợ, tư vấn các chủ thể hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ tham gia đánh giá 31 sản phẩm OCOP. Phấn đấu đến cuối năm 2023, thành phố có ít nhất 22 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên”.

Huyện Tuy An hiện có 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Địa phương này đang tiếp tục rà soát các sản phẩm tiềm năng (gạo lúa đỏ An Hiệp, cá cơm xuất khẩu An Chấn, nấm bào ngư An Lĩnh, chiếu cói An Cư…) để hướng dẫn các chủ thể tham gia chương trình OCOP. “Khi đăng ký tham gia, các chủ thể đã chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của chương trình OCOP. Tuy nhiên, do mới tham gia nên các chủ thể không tránh khỏi sự thiếu sót về hồ sơ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm theo quy định. Vì vậy, địa phương đã trực tiếp phân công cán bộ phụ trách hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tập trung cải thiện, bổ sung, đảm bảo chất lượng, hoàn thiện sản phẩm OCOP; đồng thời giúp các chủ thể đẩy mạnh công tác quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ...”, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), việc tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HKD khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. “Để chương trình tạo sức lan tỏa, ngày càng đi vào thực chất, góp phần nâng tầm nông sản tỉnh nhà, năm 2023, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền cán bộ, Nhân dân, đặc biệt là các HKD có ý thức trong việc đăng ký xây dựng các sản phẩm tham gia chương trình”, ông Thắng khẳng định.

Các chủ thể có sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực địa phương, đạt chứng nhận OCOP sẽ được hỗ trợ đưa sản phẩm lên trang thương mại điện tử của tỉnh (http://phuyentrade.gov.vn) và các kênh mua bán trực tuyến khác để quảng bá và phát triển thị trường tiêu thụ…

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục

Phát triển nông thôn

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/298198/khuyen-khich-ho-kinh-doanh-tham-gia-chuong-trinh-ocop.html