Khuyến khích phát triển chăn nuôi heo quy mô lớn, tập trung đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường

ĐTO - Theo kế hoạch tái đàn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi heo sau dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi giai đoạn 2020 – 2025, kể từ năm 2020, Đồng Tháp đặt mục tiêu giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng dần số cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% số hộ chăn nuôi lớn (tối thiểu từ 50 con đối với heo sinh sản, 100 con đối với heo thịt) đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an toàn sinh học (ATSH), an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường (BVMT) trong chăn nuôi. Từng bước phục hồi tỷ trọng của ngành chăn nuôi (phấn đấu giá trị sản xuất hàng năm khoảng 2.352 tỷ đồng, bằng 95,8% so với thực hiện năm 2018 và tăng 10,3% so với thực hiện năm 2019, tương ứng tăng 219 tỷ đồng).

Về nguyên tắc tái đàn, UBND tỉnh yêu cầu mỗi cơ sở chăn nuôi thực hiện tái đàn với số lượng khoảng 10% (nuôi chỉ báo) tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở có quy mô nuôi trên 100 con heo ở một thời điểm hoặc nuôi không quá 10 con đối với cơ sở có quy mô nuôi từ 100 con trở xuống. Theo dõi, giám sát chặt chẽ số heo nuôi chỉ báo trong khoảng thời gian ít nhất 30 ngày. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở.

Tổ chức, cá nhân chăn nuôi heo chịu sự quản lý, định hướng của ngành chuyên môn trong việc tái đàn, gắn với tái cơ cấu sản xuất; tuân thủ điều kiện về ATSH, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo quy định. Không được tái đàn khi chưa bảo đảm các điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi và điều kiện bảo vệ môi trường…

Với mục tiêu hướng đến phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại – bền vững, UBND tỉnh Đồng Tháp khuyến khích phát triển chăn nuôi heo quy mô lớn, tập trung đảm bảo các yêu cầu về ATSH và BVMT trong chăn nuôi. Theo đó, sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi heo kiến thức về các biện pháp ATSH, an toàn dịch bệnh và BVMT trong chăn nuôi.

Hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định, được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo các cơ chế, chính sách hiện hành. Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, thẩm định, đánh giá hộ chăn nuôi đáp ứng đủ các điều kiện về ATSH, an toàn dịch bệnh và BVMT thì tiến hành hỗ trợ kinh phí theo các chế độ, chính sách hiện hành.

Ngoài ra, để ngành chăn nuôi heo phát triển đi vào chiều sâu, tỉnh Đồng Tháp cũng hướng đến thực hiện chuỗi liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ. tỉnh sẽ tiến hành kêu gọi, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp nghiên cứu thực hiện đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chăn nuôi heo bằng cách liên kết, hợp tác đầu tư dưới hình thức cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin phòng chống dịch bệnh, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi... Kêu gọi, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư vào các lĩnh vực giết mổ, chế biến gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/khuyen-khich-phat-trien-chan-nuoi-heo-quy-mo-lon-tap-trung-dam-bao-an-toan-sinh-hoc-va-bao-ve-moi-t-90440.aspx