Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại

Đây là nội dung dự thảo nghị định đang được Chính phủ xem xét để ban hành trong thời gian tới. Tại Bắc Giang, Thường trực HĐND tỉnh cũng vừa có các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó tập trung cho thúc đẩy kinh tế trang trại.

Những năm qua, nhiều chính sách của trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế trang trại đã đi vào cuộc sống. Nhờ đó đã thúc đẩy việc khai thác diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi thủy sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện môi trường sinh thái.

Việc sản xuất kinh doanh của nhiều trang trại đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với từng loại hình, đã tạo ra được quy mô sản xuất tập trung, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhiều trang trại đã liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho trang trại và nông dân.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trang trại hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, quy mô sản xuất của trang trại nhìn chung còn nhỏ, sản phẩm không đa dạng, chưa tạo được chuỗi giá trị, hiệu quả kinh tế chưa cao; hệ thống cơ chế, chính sách phát triển kinh tế trang trại còn tản mạn, chưa cụ thể, tính khả thi khi áp dụng trong thực tế thấp.

Một trong những nội dung dự thảo nghị định của Chính phủ được nhiều người quan tâm là quy định về sử dụng đất, xây dựng kết cấu hạ tầng trong trang trại. Theo đó, điểm mới là chủ trang trại sẽ được xây dựng công trình tạm trên đất nông nghiệp gồm hàng rào, đường đi nội bộ; nhà kính và các loại nhà phục vụ mục đích trồng trọt; nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động; kho và nhà để chứa nông sản, vật tư, nguyên liệu, máy móc, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Chính sách này được thực thi sẽ tháo gỡ những vướng mắc hiện nay về quản lý đất đai trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Bởi vì rất nhiều mô hình kinh tế trang trại, nhất là mô hình ứng dụng công nghệ cao có giá trị tài sản lớn, cần kho bãi phục vụ thu hoạch, sơ chế, bảo quản, bảo vệ… nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể cho việc xây dựng hạ tầng để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Về các dự thảo nghị quyết phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh trong thời gian tới, nhiều cử tri đề xuất cần ưu tiên hỗ trợ về cơ giới hóa, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và khơi thông về vốn. Đây là những điểm nghẽn trong phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay, bởi đó là các yếu tố mấu chốt để thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, bảo đảm đầu ra, đạt hiệu quả cao cho kinh tế trang trại.

Những dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ, của HĐND tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản nói chung, kinh tế trang trại nói riêng đang thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân. Cơ quan soạn thảo và các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nắm bắt, trao đổi, giải đáp kiến nghị của chủ thể được thụ hưởng để đề xuất bổ sung, bảo đảm chính sách khuyến khích phù hợp, khả thi, sớm đi vào cuộc sống.

Trần Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/405158/khuyen-khich-phat-trien-kinh-te-trang-trai.html