Khuyến khích phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ hai con: Chỉ hô khẩu hiệu là chưa đủ

Trong 21 địa phương trên cả nước có mức sinh thấp, có tới 19 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, vốn là những vùng phát triển công nghiệp và nông nghiệp quan trọng của cả nước.

Tài liệu tuyên truyền của ngành Dân số thành phố Hồ Chí Minh về những vấn đề xã hội gặp phải khi địa phương có mức sinh thấp. Nguồn: Sở Y tế.

Tài liệu tuyên truyền của ngành Dân số thành phố Hồ Chí Minh về những vấn đề xã hội gặp phải khi địa phương có mức sinh thấp. Nguồn: Sở Y tế.

Những con số đáng lưu tâm

Đầu tháng 10-2024, các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về dân số và phát triển đã và đang làm việc với cơ quan liên quan của nhiều tỉnh, thành phía Nam về công tác dân số. Qua các buổi làm việc, mức sinh thấp tại nhiều địa phương lại một lần nữa được nhắc đến, rất cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các địa phương.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đang nằm trong nhóm 21 tỉnh có mức sinh thấp của Việt Nam. Cụ thể, tổng tỷ suất sinh của tỉnh năm 2023 là 1,61 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chưa đạt mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Tại thành phố Hồ Chí Minh, con số này chỉ là 1,32 trẻ/phụ nữ, thấp nhất cả nước. Còn theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, tỷ lệ sinh của địa phương hiện là 1,73 con/phụ nữ.

Cùng với đó, các địa phương đang có mức sinh thấp còn phải đối mặt với một vấn đề xã hội khác, đó là già hóa dân số. Tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ người già hơn 60 tuổi đang tăng dần qua các năm, hiện chiếm khoảng 11% dân số. Tại Cần Thơ, chỉ số già hóa dân số của thành phố cao hơn trung bình cả nước. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh đang có hơn 133.500 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), chiếm khoảng 11,7% dân số; người từ 75 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ 7%...

Người cao tuổi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Viện Dưỡng lão Thiên Đức. Ảnh: TĐ

Người cao tuổi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Viện Dưỡng lão Thiên Đức. Ảnh: TĐ

Theo Trưởng phòng Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Ngọc Yến, mức sinh thấp sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số của thành phố, thiếu hụt dân số đặc biệt là dân số trẻ, dẫn đến thiếu hụt lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Còn già hóa dân số sẽ kéo theo nhiều vấn đề an sinh xã hội. Số người gà nhiều lên, số người trẻ ít đi còn tạo thêm nhiều vấn đề ngay trong chính từng gia đình - tế bào của xã hội.

Còn theo tính toán của Cục Dân số (Bộ Y tế), nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để thay đổi thì đến năm 2054-2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh.

Khuyến sinh cần thiết thực hơn

Ngành Dân số thành phố Cần Thơ đã thay đổi thông điệp tuyên truyền từ “Mỗi gia đình chỉ nên sinh từ 1-2 con” thành “Mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con”. Tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác ở phía Nam, những tấm pano có nội dung như trên xuất hiện ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn...

Pano khuyến sinh của ngành Dân số thành phố Hồ Chí Minh: Nguồn: Sở Y tế.

Pano khuyến sinh của ngành Dân số thành phố Hồ Chí Minh: Nguồn: Sở Y tế.

Nhưng chỉ hô khẩu hiệu là chưa đủ. Anh Vương Toàn Thắng, công nhân Khu Chế xuất Tân Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi thu nhập tổng cộng khoảng 20 triệu/tháng. Với số tiền này ở thành thị, việc chi tiêu cho 2 vợ chồng và 1 đứa con trong độ tuổi đi học đã phải tính toán chặt chẽ mới đủ. Gia đình đi thuê nhà càng khó khăn hơn. Chúng tôi chưa dám nghĩ đến việc sinh cháu thứ 2”.

Còn chị Đoàn Phương Nguyên, nữ công nhân 25 tuổi hiện đang làm trong Khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nói: “Nhiều người bạn nữ của tôi xác định lập gia đình năm 29-30 tuổi là phù hợp. Vẫn biết phụ nữ tuổi này đã bắt đầu được coi là sinh con muộn, nhưng áp lực công việc, thu nhập, cuộc sống và sự mong muốn được tự chủ về nhiều mặt khiến nhiều phụ nữ như tôi không muốn kết hôn sớm, thậm chí có thể không kết hôn. Nếu sinh con, chắc chỉ 1 cháu là đủ”.

Để khuyến sinh, Bộ Y tế cũng đã có thông tư đề nghị các tỉnh, thành phố trong nhóm 21 địa phương có mức sinh thấp tự đưa ra mức khen thưởng phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, nhưng mới có một số địa phương áp dụng. Tại Hậu Giang, những phụ nữ này sẽ được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp huyện; được tặng 1,5 triệu đồng tiền viện phí và hỗ trợ miễn phí khám sàng lọc trước sinh... Tỉnh Tiền Giang tặng giấy khen và 1 triệu đồng với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi và cam kết không sinh con thứ 3...

Chị Nguyễn Trần Trang, ngụ tại quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, nói: “Theo luật, phụ nữ mang thai và sinh con được nghỉ khá dài, nhưng thường những người này sẽ được đánh giá thi đua không cao, dẫn tới giảm cơ hội thăng tiến và thu nhập. Chúng tôi mong chờ những chính sách khuyến khích thực tế và mạnh mẽ hơn nữa để không ngại việc sinh nở”.

Việt Nam đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Nguồn: TTXVN.

Việt Nam đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Nguồn: TTXVN.

Nhiều địa phương khác như thành phố Hồ Chí Minh hay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại đang chờ Luật Dân số dự kiến được Quốc hội thông qua trong năm 2024 để có căn cứ cụ thể triển khai các chính sách khuyến sinh, có thể gồm: Hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...; quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ …

Đáng chú ý, trong dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng, Bộ Y tế cũng đã đưa ra đề xuất quy định quyền quyết định của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.

Thu Hoài - Chí Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khuyen-khich-phu-nu-trong-do-tuoi-sinh-de-sinh-du-hai-con-chi-ho-khau-hieu-la-chua-du-681200.html