Khuyến khích thiếu nhi đam mê văn học nghệ thuật
Mùa hè năm nay, nhiều địa phương tổ chức trại hè với nội dung khuyến khích cảm thụ, sáng tác văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi.
Trong đó, không thể không kể đến những địa phương dù còn nhiều khó khăn vẫn nỗ lực tạo nên sân chơi bổ ích, khuyến khích trẻ em phát triển đời sống tinh thần ngày càng phong phú hơn.
Hơn 20 năm qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk đều đặn tổ chức hiệu quả nhiều trại bồi dưỡng sáng tác thơ văn dành cho thiếu nhi. Trong vai trò Chủ tịch Hội, nhà văn Niê Thanh Mai chia sẻ: Mỗi dịp hè, Hội đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa này, góp phần bồi dưỡng cho hàng trăm lứa học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở. Yếu tố Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk chú trọng, đó là nỗ lực đổi mới, làm thế nào để thiếu nhi cảm thấy thu hút, thích thú hơn với văn học, đồng thời phát huy tốt nhất khả năng cảm thụ, sáng tác.
Dù địa phương còn khó khăn, Hội vẫn cố gắng để các em nhận được ngọn lửa truyền từ các thế hệ nhà văn, nhà thơ; để thiếu nhi có thể yêu sách, dành nhiều thời gian cho sách từ đó vun đắp tình yêu với thơ văn... thông qua việc tìm tòi cách tổ chức trại bồi dưỡng sáng tác mới mẻ, phù hợp và thay đổi theo từng năm.
Những năm gần đây, hội văn học nghệ thuật ở các tỉnh khi tổ chức những lớp bồi dưỡng sáng tác cho thiếu nhi đều được Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn, nhà thơ trong cả nước quan tâm, thể hiện qua hoạt động tham gia trực tiếp hướng dẫn, lên lớp và chia sẻ. Nhờ đó, suốt quá trình tổ chức, thiếu nhi thường được tìm hiểu về văn hóa các dân tộc trong và ngoài tỉnh thông qua những chuyến đi dã ngoại, thực tế sáng tác và gặp gỡ với người dân, nhất là trải nghiệm văn hóa, ẩm thực các dân tộc… Những hoạt động phong phú, phù hợp lứa tuổi, kích thích sự say mê tìm hiểu và khám phá của các em phần nào sẽ giúp các trại, lớp bồi dưỡng sáng tác có hiệu quả.
Các nhà văn cũng đã có nhiều chuyến đi thực tế đến những trường học trên cả nước, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn để trao đổi về văn hóa đọc. Bên cạnh đó còn là nỗ lực kết nối với nhiều doanh nghiệp, các nhà xuất bản trao tặng những cuốn sách dành cho các đối tượng yếu thế, học sinh các trung tâm bảo trợ xã hội...
Tại Hà Nội, Câu lạc bộ Đọc sách cùng con do Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh sáng lập đã tổ chức nhiều đợt trại hè bổ ích gắn với tên gọi EcoCamp. Chia sẻ về giá trị cốt lõi từ hoạt động ý nghĩa này, “thuyền trưởng EcoCamp” cho biết: Sự thấu hiểu và chia sẻ những vấn đề về tâm lý của trẻ em luôn là điều cần làm đầu tiên. Chính vì thế, trại hè trước hết là một cơ hội để thấu hiểu trẻ. Với chị, mỗi mùa trại là một “mùa quan sát”. Những người phụ trách thuộc tên tuổi, hoàn cảnh của từng bạn nhỏ và thường chỉ qua một vài ngày đầu đã có thể phát hiện được những vấn đề của trẻ. Có vấn đề vốn là bình thường, dễ nảy sinh trong cuộc sống, nhưng cũng có vấn đề lại là bất thường, cần can thiệp.
Nhiều năm qua, EcoCamp chú trọng tạo cớ tương tác với các hoạt động giản dị, kết nối, như: Ngồi nghe tiếng sóng biển và guitar bập bùng; góc hòm thư “Tâm tình với Thuyền trưởng”, góc pha chế “Vị cuộc sống”, góc “Âm thanh xủng xoảng”, xưởng vẽ, làm thủ công, góc thư viện... Trò chơi luôn là chìa khóa mở ra những cánh cửa thú vị trong tư duy, đồng thời hóa giải mọi e ngại, căng thẳng của trẻ. “Ý nghĩa của mùa hè, mục tiêu của trại hè chính là: Mùa hè là mùa lớn! Trại hè là nơi để trẻ từng bước trưởng thành!”, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh nhấn mạnh.
Với mô hình bán trú, Câu lạc bộ Cây Bút Nhí đang thật sự tạo sức hấp dẫn với trẻ em ở độ tuổi tiểu học. Các khóa: Làm bạn với thiên nhiên, Triệu phú ngôn từ, Bí kíp làm văn, Kỹ năng viết văn miêu tả, Tuyệt chiêu viết văn, Nghị luận xã hội, Sáng tác truyện đồng thoại… được triển khai cùng sự đồng hành, gắn bó của các văn nghệ sĩ, nhà sư phạm.
Tuy không phải là mô hình trại hè, song hình thức bán trú cũng tạo sự tiện lợi với nhiều gia đình và mang đến cho trẻ em cơ hội phát triển vẻ đẹp của thế giới tinh thần. Các em yêu văn học nghệ thuật hơn và có những thành quả bước đầu được thẩm định, khích lệ, có tác phẩm được đăng tải trên nhiều báo, tạp chí văn học nghệ thuật.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, bốn năm qua, Hội đã bền bỉ với “Dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa”. Trong năm nay, Hội dự kiến in và tổ chức tặng 30.000 bản sách thiếu nhi cho trẻ em ở các địa phương còn khó khăn. Đại diện Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp hội văn học nghệ thuật các tỉnh để tặng sách tới nhiều trường học, giúp các em nhỏ có thể tiếp cận với sách, văn hóa đọc nhất là trong dịp hè.
Ông Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Chúng tôi tin cứ bền bỉ hết ngày này qua tháng khác mang sách tới từng em ở những vùng miền xa xôi thì đến một lúc nào đó, vẻ đẹp và những điều tốt lành từ trang sách sẽ trở thành một phần trong tâm hồn các em. Vì sách chúng tôi lựa chọn để in và tặng là những tác phẩm nổi bật trong văn học thiếu nhi, mang bài học về tình yêu thiên nhiên, con người, gia đình và văn hóa dân tộc”.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khuyen-khich-thieu-nhi-dam-me-van-hoc-nghe-thuat-5011628.html