Khuyến khích văn hóa đọc trong trường học
ĐBP - Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều phương tiện thông tin đại chúng cũng như các loại hình văn hóa nghe, nhìn phong phú, đa dạng làm cho việc nghiên cứu, tìm tòi các thông tin về đời sống, xã hội… trở nên dễ dàng hơn. Dẫu vậy, ở môi trường học đường, văn hóa đọc vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu...
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) giới thiệu sách trong Ngày Sách Việt Nam 2019.
Có mặt tại Trường THCS Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ khi tiếng trống trường điểm giờ ra chơi. Trên sân trường, những hàng ghế đá dưới gốc cây chật kín chỗ ngồi. Từng nhóm học sinh chăm chú vào quyển sách trên tay. Thầy Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ở đây học sinh chăm chỉ lắm. Nhiều em có tinh thần tự giác học tập rất cao. Hàng ngày các em thường xuyên đến thư viện mượn sách để đọc. Lúc thì ngồi dưới ghế đá, có khi lại mang về lớp, rồi có nhiều em ngồi lại thư viện nhà trường đọc tại chỗ”.
Theo thầy Thắng, nguồn tư liệu từ sách đã giúp học sinh lĩnh hội nhiều giá trị văn hóa xã hội, phát triển kỹ năng giao tiếp, tiếp nhận tri thức, từng bước hình thành nhân cách tốt đẹp cho bản thân. Cũng vì lợi ích to lớn của việc đọc sách nên nhà trường thường xuyên bổ sung sách, báo, tạp chí, cơ sở vật chất nhằm xây dựng thư viện khang trang, phong phú chủng loại, tạo cảm hứng cho học sinh và giáo viên. Hiện nay, thư viện trường có gần 400 bộ sách thuộc “Tủ sách giáo khoa dùng chung” (phục vụ cho học sinh không có đủ điều kiện mua sách); sách nghiệp vụ của giáo viên có 586 bản; sách tham khảo có gần 4.000 bản…
Em Ðỗ Phạm Như Quỳnh, lớp 9D1 Trường THCS Him Lam chia sẻ: Ngoài giờ học trên lớp, em và các bạn thường xuyên đến thư viện mượn sách. Vẫn biết nhiều thông tin có thể tra cứu trên internet nhanh hơn, dễ dàng hơn nhưng với em, sách, báo vẫn có giá trị nhất định và mang tính chính thống hơn.
Không riêng ở khu vực thành phố, văn hóa đọc cũng được cán bộ giáo viên, học sinh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa quan tâm. Ngoài đọc sách hàng ngày, năm nay, hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) cùng tham gia đọc sách dưới sân trường, tạo nên không gian đọc sách rất đặc biệt. Thầy Trần Ðăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ðọc sách là hoạt động không thể thiếu đối với mỗi giáo viên và học sinh. Do đó, Trường thường tổ chức các hoạt động để học sinh, giáo viên được tiếp xúc với nhiều đầu sách hay, có giá trị trong xây dựng phương pháp học tập và nâng cao khả năng tìm tòi, phát hiện nguồn tri thức. Ðặc biệt, để văn hóa đọc trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, hàng năm, nhà trường đều hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, thu hút 100% học sinh, giáo viên tham gia.
Ðể hoạt động đọc trở thành món ăn tinh thần trong mỗi cán bộ giáo viên và học sinh, hàng năm, Sở Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu Phòng Giáo dục và Ðào tạo các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các trường lựa chọn những đầu sách hay, có ý nghĩa giáo dục xây dựng mô hình thư viện, tủ sách thân thiện… gắn liền với các hoạt động như xây dựng nội quy, quy định của nhà trường, hướng dẫn học sinh viết cảm nhận sau khi đọc xong một cuốn sách, tổ chức giới thiệu, đánh giá, nhận xét sách. Tổ chức liên kết, trao đổi sách, truyện giữa các trường trên cùng địa bàn để làm phong phú nguồn sách, truyện trong thư viện trường. Phối hợp với Thư viện tỉnh để mượn sách truyện cho giáo viên và học sinh các trường phổ thông… Ngoài ra, các nhà trường cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với hội cha mẹ học sinh, các đoàn thể, cán bộ giáo viên nhà trường trong công tác xã hội hóa thư viện. Xây dựng mô hình “Tủ sách phụ huynh” do phụ huynh học sinh đứng ra tài trợ và huy động tài trợ kinh phí mua sắm, học sinh tự quản lý tủ sách, sau mỗi tuần nhà trường luân chuyển tủ sách giữa các lớp học…
Với cách làm linh hoạt, hoạt động đọc sách trong học đường thời gian qua ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến. Ðến nay, 100% trường học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 60% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định. Ðiển hình như: Trường Tiểu học Thanh An, Tiểu học Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên), Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ, THCS Him Lam, THCS Tân Bình, THPT Chuyên Lê Quý Ðôn (TP. Ðiện Biên Phủ), Trường PTDTBT TH Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ).