Khuyến khích xã hội hóa trong phòng, chống bạo lực gia đình

Đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt cần thành lập quỹ phòng, chống bạo lực gia đình. Bởi nếu quỹ này vận hành hiệu quả sẽ giúp các nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ phụ thuộc kinh tế, mạnh dạn tố cáo những kẻ gây ra hành vi bạo lực. Ý kiến của một số đại biểu khi thảo luận về các biện pháp làm giảm tình trạng bạo lực gia đình.

Theo các đại biểu, trong Dự thảo luật, việc chủ động trong hỗ trợ người bị bạo lực gia đình chưa được thể hiện rõ từ khâu lập dự toán và kinh phí. Đại biểu Hà Ánh Phượng đoàn Phú Thọ cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn chế thì cần phải có giải pháp huy động nguồn lực xã hội và Ban soạn thảo cần có chính sách cụ thể để thu hút nguồn lực xã hội hóa vào công tác này, đặc biệt cần thiết thành lập quỹ xã hội từ thiện.

Bà HÀ ÁNH PHƯỢNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ: “Việc quy định thành lập quỹ xã hội từ thiện để thực hiện việc này là vô cùng cần thiết và cần phải nghiêm túc nghiên cứu. Trước mắt có thể xin hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước, mặt khác, cần huy động mạnh mẽ từ nguồn lực đóng góp của các cá nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội và quốc tế. Nếu Quỹ phòng, chống bạo lực gia đình vận hành hiệu quả sẽ giúp các nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ phụ thuộc kinh tế, mạnh dạn tố cáo những kẻ gây ra hành vi bạo lực."

Một số đại biểu cũng đề nghị cần rà soát, quy định cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm, các điều kiện bảo đảm của các mô hình xã hội hóa, qua đó phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Bà LÊ THỊ THANH LAM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: “Tôi đề nghị nên quy định rõ nguồn lực tài chính và cơ chế đảm bảo để thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó phát huy địa chỉ tin cậy, đầu tư xây dựng cơ sở trợ giúp pháp lý xã hội, vì cơ sở này phải có đầy đủ điều kiện sinh hoạt, hỗ trợ kinh phí ăn uống và tạo được điều kiện an tâm, ổn định tâm lý của người bị bạo hành gia đình.”

Ông CAO MẠNH LINH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa:“Tôi thấy quy định tại Điều 47 về mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng còn rất sơ lược, chưa rõ về cơ cấu thành phần, cách thức thành lập, phương thức hoạt động, điều kiện bảo đảm cũng như vai trò cụ thể của các mô hình này trong việc tham gia các khâu trong phòng, chống bạo lực gia đình".

Thực hiện : Diệu Huyền

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/khuyen-khich-xa-hoi-hoa-trong-phong-chong-bao-luc-gia-dinh