Khuyến nghị doanh nghiệp trước biến động của thị trường xuất nhập khẩu

Với độ mở cao của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, và với tỷ trọng xuất nhập khẩu (XNK) tương đương 236% GDP, vì thế bất cứ 'cơn nóng - lạnh' nào của nền kinh tế thế giới cũng sẽ có ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến kinh tế Việt Nam, và các DN cũng phải sẵn sàng ứng phó.

Tại Hội thảo “Diễn biến kinh tế 2022-2023 và những khuyến nghị cho DN Việt Nam” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, tình hình thế giới có nhiều biến động, bất định trong thời gian qua cho thấy, đại dịch COVID -19 kéo dài với các biến thể, cùng với các bệnh dịch khác như đậu mùa khỉ... đã tác động tiêu cực đến tất cả lĩnh vực và bộ phận của nền kinh tế, làm đứt gãy chuỗi giá trị, dịch bệnh ở nước này ảnh hưởng đến đối tác ở nước khác.

TS Lê Đăng Doanh chia sẻ với DN trước những biến động khó lường của tình hình thế giới.

TS Lê Đăng Doanh chia sẻ với DN trước những biến động khó lường của tình hình thế giới.

Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine cũng đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện thế giới. Giá dầu thô tăng vọt, kéo theo giá các mặt hàng khác như gạo, lúa mì, sữa… cũng đồng loạt tăng theo. Lệnh cấm XK lương thực và sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng từ một số nước như Ấn Độ (cấm XK lúa mì), Ukraine (lúa mì, yến mạch, đường....), Indonesia (dầu cọ), khiến đà tăng giá đẩy mạnh hơn. Và gạo có thể là loại lương thực sắp bị cuốn vào cơn sốt này.

Tại Mỹ, giá hàng hóa tăng cao, người tiêu dùng Mỹ giảm bớt chi tiêu, ảnh hưởng đến XK của Việt Nam, nhất là với hàng dệt may, hàng điện tử… Trong khi đó, Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường Việt Nam có thặng dư thương mại lớn nhất lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Giá tăng cao, sức mua giảm sút, nên việc XK sẽ hết sức khó khăn. “Chúng ta không thể cứ nghĩ XK năm sau phải cao hơn năm trước được nữa” – TS Lê Đăng Doanh cảnh báo.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao ở nhiều nước. Tình trạng biến đổi khí hậu, khô hạn, nắng nóng chưa từng thấy ở châu Âu, Trung Quốc đã gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực... cũng đã tác động không nhỏ đến hoạt động XNK của DN Việt Nam. TS Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh thế giới đầy biến động và thách thức như vậy, DN Việt lại đang phải đối mặt với những khó khăn từ nội tại.

Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, song vẫn cần phòng ngừa tái phát, nền kinh tế hồi phục, tái cơ cấu nền kinh tế. Lạm phát NK từ dầu khí, nguồn cung các nguyên vật liệu NK bị gián đoạn, chi phí sản xuất tăng cao, lãi suất ngân hàng tăng, lao động mất việc tăng lên… Các biện pháp cứu trợ được ban hành kịp thời nhưng việc thực hiện đến tay người lao động phụ thuộc vào sự năng động của địa phương. Hai năm phong tỏa, DN đã thoi thóp, nhiều DN có thể nói là đã chết. Hiện, DN rất cần vốn để hồi phục nhưng gặp nhiều khó khăn, thủ tục hành chính phiền hà, chồng chéo, nhiêu khê…

Chuyên gia Đỗ Hòa cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc thị trường XNK rất nhiều, nên các DN cần theo dõi các biến động trên thị trường thế giới để có những chính sách ứng phó kịp thời.Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đó thì hiện nay thị trường khu vực (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN) các DN vẫn chưa tập trung khai thác mạnh.

Thực tế cho thấy, hàng hóa ASEAN vào Việt Nam rất nhiều, trong khi hàng Việt Nam vào các nước ASEAN khác lại rất thấp. Lý do là vì họ làm thị trường (marketing) tốt hơn mình. Chất lượng sản phẩm và giá thành của họ tốt hơn mình, và họ tổ chức và quản lý kinh doanh hiệu quả hơn mình. Vậy, để hàng Việt có thể thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường khu vực thì các DN Việt cần sản xuất được sản phẩm tốt, có chiến lược marketing bài bản. Người Thái Lan, Malaysia… sẵn sàng bỏ tiền mua với giá cao nếu đó là những sản phẩm tốt nhất của Việt Nam.

Hiện Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), mở rộng quan hệ kinh tế và thị trường, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các DN Việt Nam tận dụng và khai thác kém hơn rất nhiều so với các DN FDI về các cơ hội mà các FTA mang lại. Trong khi đó, chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài, nếu có những biến động thì các DN FDI có thể bỏ chúng ta đi.

Theo TS Lê Đăng Doanh, cần phải xây dựng phát triển các DN dân tộc, hợp tác các viện khoa học, các trường… thay vì quá ưu đãi đầu tư nước ngoài như đã diễn ra ở một số nơi hiện nay.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/khuyen-nghi-doanh-nghiep-truoc-bien-dong-cua-thi-truong-xuat-nhap-khau-i667935/