Khuyến nghị giải pháp hạn chế tấn công mạng, đánh cắp thông tin cá nhân của sinh viên

Nguy cơ đe dọa an toàn thông tin cá nhân tăng đối với sinh viên khi các hình thức tấn công từ các phần mềm độc hại, email lừa đảo và vi phạm an ninh mạng.

Với sự gia tăng số lượng người sử dụng internet, nguy cơ đe dọa an toàn thông tin cá nhân đồng thời cũng sẽ ngày càng tăng lên đáng kể. Nhắm vào đối tượng học sinh, sinh viên – lứa tuổi trẻ, với tâm lý thích khám phá, dễ bị lôi cuốn, a dua, hiệu ứng đám đông… các hacker và kẻ xấu thường tấn công mạng nhắm tới nhiều mục đích, trong đó, đánh cắp thông tin cá nhân (số điện thoại, mật khẩu, địa chỉ, ngày tháng năm sinh…) là miếng mồi béo bở để kiếm tiền là việc thường xuyên xảy ra.

Trước hết, chúng ta cần nhận thức một cách thấu đáo, trong đời sống hiện nay, thông tin cá nhân đóng một vai trò thiết yếu trong việc duy trì quyền riêng tư và an ninh mạng. Các hình thức đánh cắp thông tin cá nhân không chỉ gây ảnh hưởng tới danh tiếng mà còn tiềm ẩn rủi ro tài chính và hậu quả pháp lý.

Trong khi đó, dễ dàng khi lướt facebook thấy nhiều nick name của các học sinh, sinh viên chia sẻ rất nhiều hình ảnh đi du lịch, mua sắm, gia đình, hội nhóm bạn bè, tâm sự cá nhân… và cũng có không ít học sinh, sinh viên sẵn sàng tham gia các cuộc khảo sát từ các trang mạng, thậm chí kiếm tiền online… đó chính là môi trường thuận lợi, những kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng khi các chủ nhân vô tư chia sẻ thông tin trên các nền tảng bằng tài khoản cá nhân của mình.

Sinh viên D.Đ.PH (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: Có thời gian, em nhận được rất nhiều các cuộc điện thoại lạ, họ xưng hô ở các tổ chức này, tổ chức kia hay thậm chí là nhân viên giao hàng, nhân viên công ty Viettel, họ nói em trúng thưởng quà rồi yêu cầu nộp tiền để chuyển quà. Hay thậm chí, cũng có người xưng là thợ sửa mạng, sửa nước hay xưng là công an báo em tới làm lại căn cước công dân.

Phổ biến nhất là các cuộc gọi mang nội dung về số điện thoại em đang dùng đã có chủ nhân trước, nếu muốn dùng thì phải nộp tiền, không nộp họ sẽ kiện và yêu cầu tổng đài khóa số…Thực sự không biết thông tin cá nhân bị lộ lọt do đâu, nhưng em cảm thấy nếu không thực sự tỉnh táo thì sẽ sa vào bẫy của kẻ xấu, bởi em có bạn bè đã từng bị lừa, chuyển khoản hết số tiền đang có trong tài khoản của người lạ…

Đó chỉ là một ví dụ điển hình trong hàng nghìn trường hợp tương tự dễ bắt gặp, xảy ra trong đời sống thường nhật của các học sinh, sinh viên. Thông tin cá nhân bị kẻ xấu đánh cắp, tất nhiên sẽ bị lạm dụng, sử dụng, bị mua bán… trở thành một công cụ, đơn giản là quảng cáo bán hàng, quảng cáo các dịch vụ, tệ hại hơn là không ít chiêu trò lừa đảo bằng đe dọa, thao túng tâm lý, gây ra vô vàn hệ lụy với tài khoản của người bị đánh cắp.

 Những hình ảnh về cá nhân thường xuyên được đưa lên facebook như thế này dễ bị kẻ xấu lợi dụng (Ảnh minh họa)

Những hình ảnh về cá nhân thường xuyên được đưa lên facebook như thế này dễ bị kẻ xấu lợi dụng (Ảnh minh họa)

Rò rỉ thông tin cá nhân bắt nguồn từ việc bảo mật không chặt chẽ, không ý thức việc kiểm soát về quyền riêng tư, từ đó, có thể khiến thông tin cá nhân bị lạm dụng hoặc sử dụng không đúng đắn.

Ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Theo đó, ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4567/BGDĐT-CNTT gửi các cơ sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng sư phạm về việc tăng cường công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân và an toàn thông tin mạng.

Theo đó, Bộ GDĐT đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm tăng cường tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các quy định của Nghị định 13 tới các đơn vị, cá nhân trong phạm vi quản lý, đặc biệt là đối với đội ngũ trực tiếp tham gia quản lý, khai thác, xử lý dữ liệu cá nhân; tổ chức giáo dục pháp luật, truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân cho học sinh, sinh viên phù hợp.

Trước thách thức việc khai thác, sử dụng mạng xã hội là một nhu cầu không thể thiếu của học sinh, sinh viên, làm thế nào để bảo vệ được thông tin cá nhân, vừa sử dụng mạng hiệu quả lại vừa an toàn?

Trước hết, các nhà trường cần quan tâm giáo dục, phổ biến cho học sinh, sinh viên về tình hình bảo mật thông tin hiện tại và cách phòng ngừa các mối đe dọa bảo mật; thực hiện các biện pháp bảo mật vật lý như hạn chế truy cập vào các thiết bị lưu trữ dữ liệu, cài đặt camera an ninh và hệ thống giám sát, đây là các biện pháp quan trọng để ngăn chặn việc truy cập trái phép vào dữ liệu cá nhân. Sử dụng một phần mềm quản lý mật khẩu để giữ tất cả các mật khẩu, mã PIN, số thẻ tín dụng và các tài khoản khác an toàn. Chủ động bảo vệ mình bằng các phần mềm diệt virus. Phần mềm này sẽ ngăn phầm mềm độc hại không lấy cắp dữ liệu; đồng thời, sẽ cảnh báo trước khi phần mềm độc hại bị xóa khỏi thiết bị đang sử dụng. Cùng với đó, trong quá trình sử dụng Internet, người dùng cần hạn chế cung cấp thông tin cá nhân cho các dịch vụ web. Khi có ít thông tin của mình trên mạng, tội phạm sẽ có ít cơ hội đánh cắp hơn.

Với mỗi trường, cần xây dựng kế hoạch phản ứng sự cố để có thể giúp mỗi học sinh, sinh viên có thể đối phó với các vấn đề bảo mật một cách nhanh chóng và hiệu quả, từ việc ngăn chặn các vấn đề phát sinh đến việc giảm thiểu thiệt hại khi vấn đề đã xảy ra.

Giải pháp kết hợp nhà trường, học sinh- sinh viên và gia đình trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là một quá trình đòi hỏi thường xuyên, liên tục mới có thể tạo ra môi trường an toàn và tin cậy cho dữ liệu cá nhân, để mỗi học sinh, sinh viên có một môi trường an toàn trên không gian mạng.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khuyen-nghi-giai-phap-han-che-tan-cong-mang-danh-cap-thong-tin-ca-nhan-cua-sinh-vien-342018.html