Khuyến nghị những giải pháp cho sụt lún và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 12/1, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển RED (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp cùng Đại sứ quán Hà Lan tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề 'Giải pháp cho sụt lún và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long: Từ nghiên cứu tới chính sách'.

Hệ thống cống đập Ba Lai (xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, Bến Tre) là công trình ngăn mặn, trữ ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo đất cho 115.000 ha đất tự nhiên. Ảnh minh họa: Công Trí/TTXVN

Hệ thống cống đập Ba Lai (xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, Bến Tre) là công trình ngăn mặn, trữ ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo đất cho 115.000 ha đất tự nhiên. Ảnh minh họa: Công Trí/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Laurent Umans, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan cho rằng: Tài nguyên thiên nhiên của dòng sông Mê Công đóng vai trò quan trọng trong nguồn sinh kế của hàng chục triệu người. Việc khai thác tài nguyên nước ngầm cũng như khai thác cát quá mức cùng với nước biển dâng, dòng chảy bất thường, sụt lún đất, xói lở bờ biển và xâm nhập mặn là một trong những thách thức cấp bách nhất.

Điển hình, đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động của cả yếu tố khí hậu và con người; trong đó, xâm nhập mặn gia tăng, không chỉ khiến vùng đồng bằng này thiệt hại hàng triệu USD hàng năm trong tình trạng thiếu nước ngọt và mất mùa mà còn được xác định là điểm mấu chốt trong quy hoạch sử dụng đất. Do đó, tọa đàm nhằm đưa ra các khuyến nghị những giải pháp phù hợp cho sụt lún và xâm nhập măn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Bàn về nguồn gốc vấn đề xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Sepehr Eslami Arab, chuyên gia về nước tại Hà Lan cho rằng, nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng xâm nhập mặn ở vùng châu thổ sông Mê Công hiện nay là do tác động của con người (xây đập chặn dòng nước, khai thác cát quá mức), nhưng đến năm 2050 biến đổi khí hậu sẽ đóng vai trò chính.

Hiện nay dòng chính sông Mê Công đang gánh 11 đập thủy điện ở Trung Quốc, 2 ở Lào và ít nhất 300 đập nhỏ trên các phụ lưu. Những đập này chia dòng sông thành những hồ chứa nước, chặn phù sa chảy ra biển và thay đổi hình dạng, độ sâu của lòng sông. Để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, theo ông Sepehr Eslami Arab, Việt Nam cần hạn chế việc khai thác cát, nước ngầm, khai thác tầng trữ nước trong lòng đất, ngăn cản xu hướng hiện nay dẫn tới tăng nhanh việc xâm nhập mặn, thay đổi phương thức canh tác giúp thích ứng với xâm nhập mặn và sụt lún đất; áp dụng giải pháp công nghệ: lọc nước nano, tưới tiết kiệm...

Đánh giá về quá trình sụt lún đất ở tỉnh Cà Mau, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Định, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hiện Chính phủ đã nhận thức được và có những chính sách phù hợp cho vấn đề này tại tỉnh Cà Mau. Theo các nhà khoa học, có 4 nguyên nhân chính gây ra vấn đề sụt lún ở tỉnh Cà Mau gồm: bơm hút nước ngầm; cố kết tự nhiên; thiếu hụt trầm tích do các đập thượng nguồn; việc xây dựng đô thị làm tăng tải trọng tĩnh, dễ gây sụt lún.

Do đó, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu để xác định nguyên nhân chính và có những biện pháp can thiệp hiệu quả. Trước mắt, cần giảm bơm hút nước ngầm, tìm các nguồn nước thay thế phục vụ sinh hoạt cho người dân; đối với phát triển đô thị, cần có giải pháp quy hoạch, phân bố dân cư hợp lý để tránh tình trạng quá tải đô thị. Đối với nông nghiệp, cần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại tọa đàm, các chuyên gia còn đề xuất việc xây dựng chính sách chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề như: Giảm thiểu khai thác nước ngầm, khai thác cát; tiếp cận công nghệ mới như tiết kiệm nước; áp dụng các biện pháp tích hợp với tiềm năng mở rộng quy mô.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khuyen-nghi-nhung-giai-phap-cho-sut-lun-va-xam-nhap-man-o-dong-bang-song-cuu-long-20220112195307997.htm