Khuyến nghị phòng bệnh cho tôm nuôi khi nắng nóng và mưa xen kẽ

Sóc Trăng là tỉnh có sản lượng tôm xuất khẩu hàng đầu cả nước. Để bảo vệ diện tích tôm nuôi trước diễn biến thời tiết nắng nóng, mưa xen kẽ như hiện nay, ngành chuyên môn tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh nhiều giải pháp, nhằm giúp hộ nuôi đạt hiệu quả cao trong vụ tôm nuôi 2025.

Ngành chức năng Sóc Trăng kiểm tra tôm thả nuôi để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN

Ngành chức năng Sóc Trăng kiểm tra tôm thả nuôi để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tính đến hết tháng 4 diện tích thả nuôi thủy sản ước đạt gần 18.664 ha; trong đó, tôm nước lợ thả nuôi 12.255 ha (tôm thẻ chân trắng 9.930,9 ha, tôm sú 2.305,5 ha), cao hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm hiện nay, thời tiết nắng nóng ban ngày và giảm sâu vào ban đêm có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm dẫn đến môi trường ao nuôi tôm bị biến động, tôm dễ mắc các bệnh như: bệnh hoại tử gan tụy cấp, phân trắng, EHP,… ảnh hưởng đến việc sinh trưởng và tôm nuôi dễ bị thiệt hại.

Ông Đồ Văn Thừa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong thời điểm nắng nóng, hộ nuôi tôm cần quản lý tốt ao nuôi bằng cách theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường, lấy vào ao dự trữ nguồn nước có độ mặn thích hợp và xử lý nước đạt chuẩn. Điều chỉnh các yếu tố môi trường ổn định, như độ mặn từ 5‰ trở lên, độ pH trung bình 7.5, độ kiềm từ 120mg/l, oxy hòa tan lớn hơn 5mg/l… theo dõi chặt chẽ và khống chế yếu tố khí độc NH3, NO2, H2S trong quá trình nuôi.

Ông Đồ Văn Thừa cũng cho biết, thường xuyên bổ sung vôi, khoáng chất, đặc biệt là Canxi, Magie, Kali cho tôm, nhất là các ao độ mặn thấp để phòng ngừa bệnh cong thân đục cơ - mềm vỏ, tăng sức đề kháng cho tôm. Định kỳ lấy mẫu nước kiểm tra mật số vi khuẩn gây hại (vibrio) trong ao tôm 2 lần/tuần, khống chế mật số vibrio tổng ở mức thấp < 1.000CFU/ml và sự hiện diện của vibrio gây bệnh hoại tử gan tụy (V. Parahaemolyticus) và vibrio gây bệnh phân trắng.

Ngoài ra, vào thời điểm nắng nóng nhiệt độ nước trên 33 độ C nên giảm số lần cho tôm ăn hoặc giảm 30 - 50% lượng thức ăn; đồng thời tăng cường sử dụng vi sinh, men tiêu hóa, acid hữu cơ để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, làm sạch môi trường nước ao nuôi. Khi thời tiết, môi trường ao nuôi ổn định thì tăng từ từ lượng thức ăn trở lại, cần đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước luôn ≥ 5mg/l để đảm bảo oxy cho tôm nuôi và hệ vi sinh vật có lợi phát triển trong ao tôm.

Tại huyện Cù Lao Dung, năm 2025 dự kiến diện tích tôm nuôi khoảng 3.500 ha, để chủ động ứng phó với những yếu tố tác động về thời tiết, kịp thời đề xuất giải pháp phát triển diện tích nuôi tôm nuôi năm 2025, ngành chuyên môn huyện xây dựng kế hoạch thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển diện tích tôm nuôi.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cù Lao Dung cho biết, đến nay toàn huyện đã thả tôm đạt 1.500 ha (tôm thẻ chân trắng 1.290 ha, tôm sú 210 ha). Ngành chuyên môn huyện đã thực hiện quan trắc môi trường nước trên sông Hậu nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho các hộ nuôi tôm để chủ động phòng ngừa các loại dịch bệnh. Nâng cao năng lực hệ thống giám sát và báo cáo dịch bệnh nhằm phát hiện kịp thời và xử lý dịch bệnh trên tôm nuôi nhằm hạn chế lây lan trên diện rộng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đắc, ngành chuyên môn huyện phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh việc tập huấn và tuyên truyền cho hộ nuôi các mô hình hiệu quả, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hành nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, ASC... Ngoài ra, xây dựng các mô hình trình diễn thí điểm phòng chống dịch bệnh trên tôm để người nuôi áp dụng vào trong sản xuất.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, hiện sở đang tiến hành phối hợp UBND các huyện, thị xã có diện tích tôm nuôi trọng điểm của tỉnh để tiến hành hội nghị chuyên đề về phòng một số bệnh trên tôm nuôi, giải pháp tiết kiệm chi phí và giảm giá thành trong sản xuất tôm cho hộ nuôi. Các ngành chuyên môn đã hướng dẫn cho bà con hộ nuôi phòng một số bệnh thường gặp phổ biến trên tôm như: bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, phân trắng, đốm đen, thối đuôi, đen mang, mềm vỏ...

Song đó, cách phòng tránh dịch bệnh cho tôm vào thời điểm mùa nắng chuyển sang mùa mưa và trong mùa mưa nhiều. Giải pháp nuôi tôm giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng tôm nuôi gắn bảo vệ môi trường vùng nuôi…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng Quách Thị Thanh Bình cho biết, theo kế hoạch quý II/2025, toàn tỉnh sẽ thả nuôi tôm nước lợ 30.000 ha; sản lượng tôm nước lợ đạt 52.200 tấn. Để thực hiện đạt các mục tiêu trên ngành chuyên môn tỉnh sẽ tăng cường các cuộc hội nghị chuyên đề tại các vùng nuôi tôm trọng điểm, kịp thời thông tin về môi trường nước, thời tiết và dịch bệnh đến với hộ nuôi tôm. Ngành tăng cường thực hiện quan trắc môi trường vùng nuôi, nhằm đưa ra các giải pháp khuyến cáo kỹ thuật để đảm bảo diện tích nuôi phát triển tốt và hạn chế thiệt hại do dịch bệnh. Cùng với đó là triển khai thực hiện hiện các mô hình nuôi theo hướng VietGAP, tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật; tăng cường xúc tiến thương mại sản phẩm ngành hàng tôm của tỉnh.

Trương Phi (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khuyen-nghi-phong-benh-cho-tom-nuoi-khi-nang-nong-va-mua-xen-ke-20250507151522106.htm