Khuyến nông cộng đồng, tích hợp đa giá trị 'Đôi bên cùng có lợi'

Khuyến nông cộng đồng tích hợp đa giá trị giúp phát triển vùng nguyên liệu bền vững, kết nối giữa người dân và doanh nghiệp để 'đôi bên cùng có lợi'.

Kết nối thị trường

Ngày 2/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức “Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.

Sau 2 năm thí điểm, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã có những tín hiệu tích cực. Đến nay, ngoài 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh thành tham với 156 thành viên, đề án đã thành lập thêm 1.000 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng với hơn 9.600 thành viên.

Trong đề án, hệ thống lực lượng khuyến nông cộng đồng xác định được vai trò nòng cốt, đồng hành cùng nông dân, đào tạo nâng cao năng lực và trở thành cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.

Đề án của Bộ NN&PTNT giúp kết nối người dân với doanh nghiệp. (Ảnh: Hồng Phong)

Đề án của Bộ NN&PTNT giúp kết nối người dân với doanh nghiệp. (Ảnh: Hồng Phong)

Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương có mô hình khuyến nông cộng đồng hiệu quả nhất. Hiện thành phố có 139 tổ khuyến nông cộng đồng với hơn 1.000 thành viên tham gia.

Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hải Phòng cho biết, các tổ khuyến nông cộng đồng đã tư vấn quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất, kết nối thị trường đạt hiệu quả cao.

Ông Phan Văn Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền khẳng định, kể từ khi Bộ NN&PTNT phát triển lực lượng khuyến nông cộng đồng, đã giúp triển khai những tiến bộ kỹ thuật cũng như kết nối người dân với doanh nghiệp lại với nhau.

“Lực lượng khuyến nông cộng đồng đã giúp doanh nghiệp kết nối được với người dân để triển khai những tiến bộ kỹ thuật, sản phẩm mới theo định hướng của ngành nông nghiệp đề ra”, ông Tâm chia sẻ.

Tri thức hóa để… hiệu quả hơn

Bên cạnh những thuận lợi, các địa phương cũng chỉ ra những khó khăn để cùng tháo gỡ. Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hải Phòng cho biết, trang thiết bị còn thiếu thốn; sự không ổn định trong sản xuất nông nghiệp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy đã gây không ít khó khăn.

Không gian kết nối cùng khuyến nông cộng đồng. (Ảnh: CTV)

Không gian kết nối cùng khuyến nông cộng đồng. (Ảnh: CTV)

Từ đó, ông đề nghị Bộ NN&PTNT có hướng dẫn chung về quy định, chức năng nhiệm vụ, cơ chế chính sách để địa phương có cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng cần ban hành chính sách mạnh mẽ để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có chính sách cho hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, khuyến nông cộng đồng đã trở thành vấn đề mang tính thời sự và được cả xã hội quan tâm. Sau 2 năm triển khai, đề án đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, từ 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm, đến nay cả nước đã có 57 tỉnh thành lập được 5.000 tổ khuyến nông cộng đồng với hơn 45.500 thành viên tham gia.

“Cán bộ khuyến nông cộng đồng hiện nay là tích hợp đa giá trị, không chỉ hướng dẫn về mặt nông nghiệp mà còn vấn đề thị trường, kết nối người dân với doanh nghiệp và thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay, các địa phương cũng cần tạo điều kiện về hỗ trợ kinh phí để tổ khuyến nông cộng đồng yên tâm hoạt động. “Quan trọng nhất, khuyến nông cộng đồng cần phải tăng cường năng lực, không chỉ kỹ thuật mà phải có kiến thức về cộng đồng, phát triển kinh tế cũng như chuyển đổi số… thì mới giúp được người dân tri thức hóa”, ông Thanh đề xuất.

Hồng Phong

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khuyen-nong-cong-dong-tich-hop-da-gia-tri-doi-ben-cung-co-loi-336466.html