Khuyến nông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Từ năm 2018 đến tháng 8/2021, các mô hình khuyến nông trên địa bàn Lâm Đồng được xây dựng trên cơ sở đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Mô hình trồng hoa cát tường cánh đơn mang lại giá trị gia tăng đáng kể tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương

Mô hình trồng hoa cát tường cánh đơn mang lại giá trị gia tăng đáng kể tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương

CHUYỂN ĐỔI THEO MÔ HÌNH CHUỖI LIÊN KẾT

Theo đó, trong năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tập trung xây dựng hơn 10 mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm theo kế hoạch phê duyệt của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng. Kết quả đã chuyển giao kỹ thuật phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại trên cây súp lơ nhà lưới tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương cho 5 mô hình với quy mô 8.000 m2/4 hộ tham gia; 2 nông hộ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất 3.000 m2 hoa đồng tiền tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm; 8 hộ thâm canh xen hồ tiêu trong diện tích 7 ha cà phê bền vững tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cũng đã giúp nông dân gia tăng giá trị thu nhập thông qua các biện pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm ổn định theo hợp đồng. Tiêu biểu như các mô hình nuôi gà giống mới trên nền đệm lót sinh học tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương với quy mô 3 hộ/1.500 con; 5 hộ nuôi 100 con dúi thịt tại huyện Bảo Lâm; 2 hộ nuôi cá hô trong 300 m3 lồng bè tại xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh; nuôi thử nghiệm cá ét mọi thương phẩm tại xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt.

Bước sang năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã bám sát sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng xây dựng các mô hình phù hợp với định hướng và nhu cầu thực tế của người sản xuất. Điển hình như mô hình nuôi gà Lạc Thủy trên nền đệm lót sinh học triển khai tại xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, lợi nhuận thu được trung bình khoảng 21 triệu đồng/400 con; mô hình trồng rau cải thảo xen cây dược liệu atiso tại huyện Lạc Dương đã cho lợi nhuận khoảng 13 triệu đồng/1.000 m2 cải thảo; 60 triệu đồng/1.000 m2 atiso. Đến năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tập trung xây dựng các mô hình, dự án có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn. Trong đó chú trọng các mô hình cây trồng, vật nuôi mới có giá trị về năng suất, chất lượng để liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đã giúp bà con nông dân tiếp cận nhiều cách làm mới để nhân rộng vào sản xuất. Cụ thể gồm một số mô hình nổi bật như: ghép cải tạo vườn mắc ca thực sinh bằng các giống mắc ca có năng suất, chất lượng; sử dụng thiên địch phòng trừ sâu hại ớt trong nhà kính đạt tỷ lệ sống trên 70%; khả năng khống chế khoảng 80% các loại côn trùng chích hút, giảm 50% chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; chuyển giao kỹ thuật sản xuất chuối Laba theo hướng bền vững, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện về khí hậu, đất đai tại huyện Đam Rông, năng suất chuối đạt khoảng 29,4 tấn/ha, cao hơn so với vườn sản xuất đại trà của nông dân địa phương khoảng 1,9 tấn /ha; trồng nấm linh chi đỏ với công nghệ IoT cài đặt từ khi đưa bịch phôi nấm vào nhà trồng cho đến khi thu hoạch, giảm thời gian chăm sóc, kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và nồng độ khí CO2; mô hình nuôi cá leo thương phẩm, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, góp phần đa dạng đối tượng nuôi thủy sản trên địa bàn...

MÔ HÌNH PHÙ HỢP VỚI TỪNG ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT

Đáng kể trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tiếp tục triển khai các mô hình chuyển đổi giống và công nghệ mới như: trồng hoa cát tường cánh đơn trong nhà lưới với quy mô 2.000 m2/2 hộ tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương; ứng dụng công nghệ IoT quản lý dinh dưỡng an toàn cho 1.000 m2 cây dưa lưới tại huyện Đức Trọng; trồng cây dược liệu giảo cổ lam 2.000 m2 tại huyện Đơn Dương và Lâm Hà; trồng cây tầm vông 3 ha/3 hộ tại huyện Cát Tiên; trồng cây nghệ bò cạp dưới tán vườn điều kém hiệu quả 1 ha/3 hộ tại xã Mỹ Đức, xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh; tác động kỹ thuật cho bơ ra trái vụ 2 ha/2 hộ tại thị trấn Lộc Thắng và xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Về chăn nuôi thủy sản có mô hình nuôi ghép cá chiên với cá chép V1 trong ao nước chảy 2.000 m2/2 hộ tại xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc; mô hình nuôi cá thát lát cườm trong ao đất 2.000 m2/2 hộ tại xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh. Ngoài ra, còn xây dựng mô hình 200 m2/2 hộ sử dụng máy hút ẩm giảm tỷ lệ hao hụt trong sản xuất hồng treo gió tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt...

“Đến nay, việc triển khai các mô hình chuyển đổi vật nuôi, cây trồng theo hướng phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng nói trên đều được triển khai có hiệu quả. Thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, các giống cây, con mới đã mang lại năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế theo mục tiêu kế hoạch, giúp bà con nông dân nhanh chóng tiếp cận, áp dụng phù hợp vào từng điều kiện sản xuất…”, theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng.

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202110/khuyen-nong-theo-huong-nang-cao-gia-tri-gia-tang-3083447/