Kì lạ nam thanh niên 'xơi' 1 kg đinh, móc sắt vào bụng
Đây là một trường hợp vô cùng hiếm gặp với sở thích ăn các đồ vật kim loại mà các bác sĩ gặp phải trong Y khoa. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Pica.
Ngày 17/1, Đại tá Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ nhiệm khoa Ngoại bụng Bệnh viện Quân y 175 cho hay, ê kíp các bác sĩ vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân tên: T.H.T, SN 1993, có dấu hiệu trầm cảm thích ăn các dị vật kim loại.
Các triệu chứng bệnh cho thấy có dấu hiệu của hội chứng Pica. Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng khoảng 1 tháng nay sau đó được khám tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương, kết quả đã phát hiện bệnh nhân bị tổn thương dạ dày với nhiều dị vật lạ trong bụng và được chuyển ngay lên Bệnh viện Quân y 175.
Tại Bệnh viện Quân y 175, sau khi tiến hành hội chẩn, ê kíp khoa Ngoại đã tiến hành phẫu thuật lấy bỏ khoảng 1kg dị vật kim loại dã bị ăn mòn hoen gỉ trong dạ dày bệnh nhân ra ngoài thành công.
Đáng chú ý, trong mớ kim loại này có tới 3 cái bấm móng tay lớn, nhỏ, có rất nhiều các móc sắt dùng để treo đồ, lưỡi dao, thìa muỗng và rất nhiều loại đinh, các đoạn sắt nhỏ 3 cm, 5cm, 7 cm…
Do số lượng dị vật trong bụng bệnh nhân quá nhiều nên ê kip phải tiến hành mổ mở và chụp C- ARM ( X- quang trong mổ) để tránh sót dị vật.
Sau 2 tiếng các dị vật đã được lấy ra bệnh nhân được chuyển về khoa ngoại bụng tiếp tục theo dõi và điều trị.
Hội chứng Pica hay dân gian còn gọi là chứng “ăn bậy”. Người bị bệnh thèm hoặc ăn những thứ phi thực phẩm, chẳng hạn như đất đá hoặc cát. Hầu hết các hướng dẫn y tế trên thế giới đều phân loại Pica là một rối loạn ăn uống.
Những người bị Pica thèm hoặc ăn những món không phải là thực phẩm. Hiện tại không có cách nào để phân loại hành vi này. Pica thường phát triển ở những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng không phải tất cả những người mắc bệnh Pica đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Pica cũng phổ biến hơn ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Những người mắc Pica sẽ cố gắng ăn các loại phi thực phẩm. Người mắc hội chứng này có thể có tình trạng răng bị hỏng hoặc hư; đau bụng, phân có máu, ngộ độc chì. Nguyên nhân thường được nghĩ tới là do bị tự kỷ hoặc thiểu năng trí tuệ; tình trạng sức khỏe tâm thần, liên quan tâm thần phân liệt. Thường suy dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu máu thiếu sắt.
Một số biến chứng dễ gặp ở người bệnh như: nghẹt thở do ăn đất đá to hay cát bay vào phổi; Ngộ độc; gây hại cho não do ăn chì hoặc các chất có hại khác; bị gãy răng do ăn các vật cứng; loét tiến triển gây hại cho hệ tiêu hóa, chẳng hạn như gây thương tích cho cổ họng và dạ dày; tắc ruột do thức ăn không tiêu hóa được hoặc gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như phân có máu, táo bón hoặc tiêu chảy.
Để điều trị Pica, trước tiên, một bác sĩ phải xác định lý do tại sao người đó thèm những đồ phi thực phẩm. Được làm nhiều các xét nghiệm khác nhau để định bệnh, xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng…và việc điều trị phải phối hợp chặtc chẽ giữa gia đình và các bác sĩ.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/nam-thanh-nien-mac-hoi-chung-pica-thich-an-dinh-moc-sat-627727/