Ngược dòng lịch sử trở về 138 năm về trước, ngày 16/3/1884, Hoàng Hoa Thám cùng các nghĩa binh do Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) lãnh đạo đã phất cờ khởi nghĩa tại đình làng Hả, xã Tân Trung. Sau khi Đề Nắm bị sát hại, Hoàng Hoa Thám đã trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trao khởi nghĩa Yên Thế.
Qua nhiều năm chiến đấu, nghĩa quân Yên Thế đã khiến cho thực dân Pháp xâm lược phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Tiêu biểu là các trận đánh ở Hố Chuối năm 1890 và Đồng Hom năm 1892…, thể hiện rõ nét qua câu truyền miệng của nhân dân “Đất này là đất cụ Đề - Tây lên thì có, Tây về thì không”.
Di tích đền Phồn Sương vẫn lưu giữ những thành hào tường đất cổ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế trải qua hàng trăm năm lịch sử.
Lễ hội kỷ niệm 138 năm Khởi nghĩa Yên Thế được tổ chức nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, độc lập tự cường và khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế là cuộc khởi nghĩa vũ trang chống quân xâm lược do Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn và hào hùng của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo.
Các nghi lễ gồm: lễ tế, lễ dâng hương, lễ phóng sinh được tổ chức vào chiều 15/3, tại khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đọc điếu văn tưởng niệm công lao to lớn của cụ Đề Thám, một vị tướng tài ba của anh hùng dân tộc.
Rượu không thể thiếu trong tục lễ dâng hương tưởng niệm cụ Đề Thám tại Lễ kỷ niệm 138 năm Khởi nghĩa Yên Thế.
Những lễ vật dâng lên cụ Đề.
Sinh tiền nét đẹp văn hóa truyền thống tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng.
Bà Nghọ Thị Sâm, 77 tuổi trú tại huyện Yên Thế, Bắc Giang cho biết, lễ hội Yên Thế thường được tổ chức từ ngày 15-17/3 để tưởng nhớ người anh hùng áo vải Đề Thám đã cống hiến vì dân tộc, đất nước. “Mỗi khi đánh giặc thắng trận trở về cụ Đề Thám thường tổ chức khao quân, tưởng nhớ những người đã tử sĩ vì chiến trận, đồng thời giáo dục nâng cao đời sống, tri thức của nhân dân”- bà Sâm nói.
Anh Đoàn Ngọc Quỳnh một du khách đến từ huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cho biết: “Khi đặt chân đến với mảnh đất Yên Thế (Bắc Giang) chúng tôi đã bị choáng ngợp bởi những mảnh tường, hào từ ngàn năm lịch sử vẫn được giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Tham dự lễ hội tưởng niệm công ơn của người anh hùng áo vải đã chiến đấu kiến cường chống giặc ngoại xâm để bảo vệ non sông bờ cõi của dân tộc khiến chúng tôi không khỏi tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam”- anh Quỳnh nói.
Rất đông người dân sinh sống trên địa bàn huyện Yên Thế đã đến xem tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng niệm người anh hùng dân tộc Đề Thám.
Lễ hội Yên Thế còn là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại với những sắc màu văn hóa phong phú và riêng biệt, khẳng định bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung trên đà hội nhập và phát triển, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.
Tiến Dũng - Văn Giang VOV.VN