Kí ức về những ngày đầu lập lại tỉnh

Kể từ sau ngày lập lại tỉnh đến nay, từ một tỉnh thuần nông, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã kiến thiết, xây dựng một Quảng Trị mới mẻ, ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp, với các khu kinh tế, cụm công nghiệp; ưu tiên phát triển nông nghiệp chất lượng cao; mạng lưới giao thông, đô thị được kết nối, đồng bộ. Đời sống của người dân được cải thiện đáng kể mọi mặt. Đã 30 năm trôi qua nhưng trong tâm trí bao cán bộ lãnh đạo ngày đó vẫn còn nguyên vẹn kí ức về ngày đầu lập lại tỉnh.

 Tại phiên làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên vào năm 1989, Thủ tướng Đỗ Mười đồng ý chủ trương chia Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh. Ngồi bên thủ tướng là ông Lê Văn Hoan. Ảnh: NVCC

Tại phiên làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên vào năm 1989, Thủ tướng Đỗ Mười đồng ý chủ trương chia Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh. Ngồi bên thủ tướng là ông Lê Văn Hoan. Ảnh: NVCC

Chúng tôi may mắn được gặp ông Lê Văn Hoan, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị. Đã 87 tuổi nhưng kỉ niệm trong ông cứ tuôn trào mạch lạc bởi trí nhớ của một con người được xem là có tiếng nói quan trọng trong việc phân chia lại đơn vị hành chính trên toàn quốc, phù hợp với công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình kinh tế- xã hội lúc bấy giờ.

Ông Hoan nhớ lại, trước khi lập lại tỉnh Quảng Trị, ông là Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch MTTQVN tỉnh Bình Trị Thiên. Lúc ấy không riêng tỉnh Bình Trị Thiên mà các tỉnh Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn ở miền Bắc, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Gia Lai - Kon Tum…ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều có nhu cầu được điều chỉnh lại đơn vị hành chính cho phù hợp. Với cương vị một lãnh đạo cấp tỉnh và Trưởng Đoàn ĐBQH, ông Hoan phân tích cơ sở khoa học và thực tiễn lúc ấy cho thấy sau mười bốn năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông còn quá nhiều khó khăn. Tỉnh Bình Trị Thiên từ đèo Hải Vân đến đèo Ngang trải dài trên vùng địa hình gần 300 km nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lí hết sức khó khăn. Từ thành phố Huế, nơi tỉnh lị của tỉnh Bình Trị Thiên ra Quảng Bình công tác bây giờ đi ô tô chỉ mất ba tiếng đồng hồ nhưng ngày ấy phải đi mất một ngày. Từ đó, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của Trung ương và tỉnh đến cơ sở bị chậm lại rất nhiều.

Ông Hoan cho biết: Từ thực tiễn đó, mỗi kì họp Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH các tỉnh trên đều mong muốn cần được phân chia lại đơn vị hành chính. Tại kì họp thứ IV vào năm 1988, Quốc hội khóa VIII (1987-1992), với tư cách là Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Trị Thiên, tôi trình một bức thư lên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo về ý kiến của mình cũng như của các đoàn ĐBQH các tỉnh về cơ sở khoa học, thực tiễn và việc cần thiết nên phân chia lại đơn vị hành chính. Lúc này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên chưa đưa vấn đề phân chia lại đơn vị hành chính ra bàn bạc nên lúc đó và cho đến bây giờ nhiều người thường gắn cho tôi cái “tội” cầm đèn chạy trước ô tô. Nhưng với trách nhiệm của mình tôi nghĩ không thể chậm hơn chuyện này được nữa. Sau đó một thời gian ngắn, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) dẫn đầu vào làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên. Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng nên chia Bình Trị Thiên thành 2 tỉnh, lấy sông Bến Hải- Vĩ tuyến 17 làm địa giới nhưng tôi quyết liệt, dứt khoát với quan điểm nếu đã chia để lập lại tỉnh thì nên chia thành 3 tỉnh. Tại cuộc họp, Thủ tướng Đỗ Mười kết luận: Một là đồng ý cho Bình Trị Thiên phân chia lại địa giới hành chính; hai là phân chia thành 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình; ba là chia thật nhanh để sớm ổn định công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cuộc sống của cán bộ, nhân dân khi trở về địa phương mình. Sau đó, ngày 7/5/1989, Bộ Chính trị quyết định số 87 QĐ/TW về việc “Cho chia tỉnh Bình Trị Thiên, lập thành ba tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình”. Ngày 30/6/1989, tại kì họp thứ V, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính, chia tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh mới Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình như hôm nay.

 Một góc thành phố Đông Hà hôm nay. Ảnh: TTL

Một góc thành phố Đông Hà hôm nay. Ảnh: TTL

Với niềm phấn khởi lớn, trong những ngày đầu gian khó ấy, từ lãnh đạo tỉnh, đến mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều nỗ lực để vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Bường, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhớ lại: Khi lập lại tỉnh, ngân sách không có để hoạt động nên phải xin trợ cấp của Trung ương. Cả tỉnh hầu như không có đường nhựa, trừ Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9, không có nhà cao tầng. Cơ sở vật chất đảm bảo cho việc ăn ở của cán bộ cơ quan cấp tỉnh và nhân dân từ Huế ra rất thiếu thốn nên dựa vào các cơ quan của thị xã Đông Hà. Trụ sở UBND tỉnh thời đó dùng lại nhà làm việc cấp 4 của một xí nghiệp, còn trụ sở Tỉnh ủy thì dùng trụ sở của Công ty Vật liệu xây dựng. Tỉnh ủy Quảng Trị không xây nhà tập thể cho cán bộ từ Huế ra, mà tận dụng lại các cơ sở vật chất cũ để tạm thời ổn định cuộc sống rồi sau đó tạo mọi điều kiện để cán bộ làm nhà ở, giúp ổn định để công tác. Tình hình trên đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị phải thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách nhằm củng cố bộ máy tổ chức, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đẩy mạnh phát triển sản xuất. Tỉnh chỉ đạo chặt chẽ trong phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; tiếp đến là tập trung vốn xây dựng cơ bản cho các công trình, nhất là công trình thủy lợi. Nhiệm vụ quan trọng lúc ấy là thực hiện tốt và thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, đề cao tầm chiến lược về phát triển kinh tế biển, phát triển hồ tiêu, cao su, cà phê. Cùng với công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, các công trình thủy lợi Trúc Kinh và La Ngà đã góp phần nâng diện tích tưới tiêu của toàn tỉnh lên đến 70%, được Trung ương đánh giá cao, nhờ vậy nông nghiệp tỉnh Quảng Trị phát triển trên các mặt trồng trọt, chăn nuôi, người nông dân sản xuất ra lúa gạo ngày càng nhiều, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Ngẫm về chặng đường đã qua, những người từng gắn bó, góp sức cho sự phát triển ngày một bền vững của Quảng Trị đều cảm thấy tự hào và hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn trên hành trình đi lên của tỉnh.

Trần Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140221