Kịch bản cho những khó khăn trong sản xuất lúa mùa

Vụ mùa 2020, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy trên 25.000 ha lúa, trong đó khoảng 10.000 ha lúa thuần chất lượng cao. Nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất lúa mùa năm nay sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thời tiết khắc nghiệt; sâu, bệnh hại phát sinh.

Những ngày này, chị Bùi Thanh Thúy, thôn Hưng Thịnh, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) phải dậy từ 3 giờ sáng để ra đồng làm mùa. Chị Thúy cho biết, gia đình chị có 7 sào ruộng, đúng thời điểm đưa mạ xuống đồng thời tiết nắng nóng lên đến 38 - 39 độ C. Để kịp thời vụ sản xuất, chị em trong thôn bố trí đổi công giúp nhau. Thời tiết khắc nghiệt đã vậy, điều chị Thúy lo lắng hơn là nạn ốc bươu vàng cắn lúa non, chưa năm nào ốc bươu vàng xuất hiện nhiều như năm nay, ốc xuất hiện ở nhiều lứa tuổi sẽ khó diệt trừ.

Bà con nông dân ở các xã Yên Nguyên, Hòa Phú (Chiêm Hóa); Đức Ninh, Thái Hòa (Hàm Yên)... thức đêm, dậy sớm làm đất, gieo, cấy lúa cho kịp khung thời vụ. Theo ông Phạm Văn Hạnh, thôn Yên Quang, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), năm nay gặp trở ngại về thời tiết, liên tiếp 2 đợt nắng nóng đúng vào thời điểm xuống giống trà sớm và trà chính vụ nên người dân đều phải lấy đêm làm ngày để ra đồng. Nắng nóng nhiều ngày sẽ lại xảy ra mưa lớn, lũ xuất hiện lúa non mới cấy rất dễ bị ngập úng. Ông Hạnh và nhiều bà con nông dân thôn Yên Quang vẫn chăm sóc, bảo vệ diện tích mạ thừa đề phòng phải dặm tỉa, cấy lại khi bị ngập.

Gia đình chị Bùi Thanh Thúy, thôn Hưng Thịnh, xã Tú Thịnh (Sơn Dương)đổi công cấy lúa cho kịp khung thời vụ.

Đưa mạ xuống đồng đã khó, bảo vệ diện tích đã gieo cấy sẽ còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, xen kẽ với các đợt nắng nóng sẽ xuất hiện các đợt mưa lớn gây ra những đợt lũ làm vùi lấp lúa, đồng thời phát tán sâu, bệnh hại, đặc biệt là nạn ốc bươu vàng, chuột. Thực tế những năm vừa qua, một số diện tích lúa mùa của tỉnh ta đã phải gieo cấy lại lần 2 do mưa lớn gây lũ, sạt lở, vùi lấp lúa.

Lường trước những khó khăn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kịch bản để ứng phó. Về cơ cấu giống, ưu tiên đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn, có sức chống chịu đổ gẫy và sâu, bệnh vào gieo cấy. Về khung lịch thời vụ, thực hiện chia trà sớm, trà chính vụ và trà muộn cho phù hợp với từng vùng, tiểu vùng khí hậu và đồng đất và tập quán canh tác của bà con. Sở cũng yêu cầu Chi cục Thủy lợi, Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh kiểm tra, thực hiện nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước khi mưa lớn xảy ra, hạn chế tình trạng ngập úng lúa mới cấy.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, chi cục đã làm việc với các đơn vị cung ứng giống sẵn sàng dự phòng nguồn giống ngắn ngày như Việt lai 20, KM18, HT1 để cung ứng cho bà con ngay khi cần phải gieo cấy lại. 3 đơn vị cung ứng giống lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay là Công ty Giống và vật tư nông nghiệp Tuyên Quang, Tập đoàn giống Thái Bình, Công ty Giống cây trồng Trung ương cam kết cung ứng đủ lượng giống phục vụ gieo cấy và giống dự phòng cho bà con nông dân trong trường hợp phải gieo cấy lại.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Trung tâm dịch vụ các huyện, thành phố theo dõi sát, khuyến cáo bà con hạn chế hoặc không gieo cấy những giống bị nhiễm bệnh bạc lá (Tạp giao 1, Nhị ưu 838, Hoa ưu, Bắc thơm số 7...) ở những chân ruộng thấp, trũng, lộng gió, mà vụ trước đã bị nhiễm bệnh bạc lá. Bà con nông dân cần tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI để tăng hiệu quả phòng chống sâu bệnh và giảm chi phí sản xuất. Riêng đối với nạn ốc bươu vàng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo, sau gieo cấy lúa bà con thực hiện phun trừ ngay, tại những thửa ruộng gần hệ thống ao, mương, hồ đập làm lưới ngăn không để ốc trưởng thành theo dòng nước trôi vào ruộng; thực hiện cắm cọc dụ ốc bò lên đẻ trứng để bắt diệt.

Tính đến ngày 24-6, toàn tỉnh đã gieo 50 tấn thóc giống, tương đương với trên 5.000 ha, trong đó đã 1.800 ha lúa đã được cấy. Theo kế hoạch, lịch gieo cấy sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 7.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/kich-ban-cho-nhung-kho-khan-trong-san-xuat-lua-mua-134021.html