Kịch bản cho tương lai

Những thiệt hại đối với thể thao thế giới, nhất là với thể thao nhà nghề, không còn là dự kiến mà đã biến thành các con số thực tế khi dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, chưa nói đến những khuyến cáo về khả năng dịch bùng phát.

Trong khi một số sự kiện hy vọng được trở lại khoảng vài tháng nữa nhằm cứu vãn tình hình tài chính, thì hàng loạt giải đấu buộc phải hủy cả mùa giải đồng nghĩa với mất sạch doanh thu, lợi nhuận. Tiêu biểu như 22 vòng đua F1 hiện đã hủy đến 9 vòng, hay mùa giải Wimbledon 2020 sẽ không tồn tại trong lịch sử. Các giải bóng đá hàng đầu châu Âu, mặc dù chưa có quyết định hủy bỏ, nhưng quá trình “hoãn vô thời hạn” đã gây ra tổn hại tài chính với số tiền ước tính hàng tỷ USD. Ngay cả khi các giải đấu này trở lại để hoàn thành nốt mùa bóng cũ, thì theo nhiều chuyên gia, cấu trúc tài chính của bóng đá châu Âu cũng sẽ biến dạng nghiêm trọng và nhiều CLB đứng bên bờ vực phá sản.

Mặc dù nền thể thao Việt Nam vẫn chưa đạt đến tầm vóc, sự phức tạp như thể thao nhà nghề nhưng xét về mức độ thiệt hại, thì không hề kém. Vì bản chất của thể thao Việt Nam là chưa thể tự vận động kinh doanh nhằm “tăng lãi, bù lỗ” cho thời gian đã bị mất như thế giới chuyên nghiệp. Sự phụ thuộc vào yếu tố ngân sách nhà nước và vận động tài trợ ngắn hạn trong thời gian qua sẽ đẩy thể thao Việt Nam vào một giai đoạn khó khăn để duy trì mức hoạt động như cũ. Thể thao Việt Nam đã có bài học, và trên thực tế vẫn chưa thoát ra được từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế của 10 năm trước. Giai đoạn 2012-2018, hàng chục giải đấu có tiền thưởng ở các môn: điền kinh, quần vợt, bóng bàn, cầu lông, võ thuật… đã bị xóa sổ vì không tìm ra nguồn tài trợ khi các doanh nghiệp cắt giảm ngân sách tiếp thị thể thao. Ngoài một số môn có tính phổ biến cao như bóng đá, xe đạp, bóng chuyền…, còn lại đa số các môn khác đều chỉ nỗ lực tổ chức thi đấu được 2 - 3 sự kiện mỗi năm thay vì tần suất 2 tháng/lần như trước.

Cú “sốc” từ dịch Covid-19 chắc chắn sẽ kéo dài tình trạng “đóng băng” ấy. Các vấn đề của thể thao bao giờ cũng có độ trễ rất lớn so với những vấn đề cấp thiết của xã hội. Kinh tế cần thời gian để phục hồi. Người dân còn sẽ mất nhiều thời gian hơn để ổn định đời sống. Một lĩnh vực mang tính giải trí như thể thao không phải là mối quan tâm ưu tiên của ngân sách, doanh nghiệp và người dân. Điều này cũng đồng nghĩa giới thể thao vừa phải tìm cách trở lại sớm nhất để duy trì chất lượng chuyên môn, vừa đau đầu tìm nguồn tài chính để hoạt động.

Tiêu biểu như bóng đá. Công ty VPF, đơn vị quản lý các giải đấu chuyên nghiệp, vốn dĩ hoạt động dựa trên công việc tổ chức giải. Dịch Covid-19 khiến các giải đấu có nhanh nhất thì cũng phải đến giữa tháng 5 mới tái khởi động. Thời gian càng kéo dài, tốc độ giải ngân tiền tài trợ sẽ chậm lại, thậm chí còn chưa biết có được nhận đủ hay không vì còn phải đợi hiệu quả của công tác thi đấu. Đá trong sân không có khán giả, giảm số vòng đấu… chẳng hạn, sẽ ảnh hưởng đến số tiền được nhận từ nhà tài trợ. Không làm việc nhưng vẫn phải trả lương, vẫn phải ở trong tư thế sẵn sàng để đưa mùa giải trở lại, chắc chắn VPF cũng như các đội bóng đều thiệt hại nặng về tài chính. Nhưng quan trọng hơn là nếu mùa giải năm nay không được vận hành như bình thường thì việc vận động tài trợ, quảng cáo của năm 2021 sẽ rất gian nan.

Nói cách khác, những người làm thể thao cũng cần tính đến kịch bản xấu là không có kinh phí từ xã hội hóa. Chưa thể khẳng định được khi nào dịch Covid-19 kết thúc và bao lâu thì nền kinh tế cũng như đời sống xã hội trở lại bình thường, thế nên, càng phải đưa ra cho mình nhiều kịch bản để ứng phó ngay từ lúc này. Nói như vậy để thấy, hơn lúc nào hết, thể thao Việt Nam cần phát huy nội lực của mình, đó là nỗ lực thi đấu tốt hơn, đem đến cho khán giả những giải đấu, trận đấu chất lượng hơn để vừa phục vụ, vừa tìm nguồn tài chính nuôi sống mình.

YẾN PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kich-ban-cho-tuong-lai-657811.html