Kịch bản của các 'nhóm lợi ích'?
Cuộc đấu giá bị tạm dừng do đấu giá viên 'bỗng dưng' bị ốm là sự việc hy hữu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đấu giá, đấu thầu đang được tỉnh Thanh Hóa nỗ lực quản lý, chấn chỉnh theo hướng công bằng, công khai, minh bạch.
Bài liên quan
Thanh Hóa: Hoãn đấu giá 30 lô đất biệt thự vì đấu giá viên "bỗng dưng" bị ốm ?
Theo các chuyên gia bất động sản, đất ở thực tế tại khu vực xã Quảng Cư, TP Sầm Sơn ở thời điểm hiện tại đang chiều hướng tăng giá, vì quỹ đất ở của Sầm Sơn ngày càng ít dần
Như Báo điện tử Congluan.vn đã phản ánh: Theo kế hoạch, sáng 15/1/2020, tại hội trường UBND phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa diễn ra cuộc đấu giá quyền sử dụng 30 lô đất biệt thự (tổng diện tích 9.237,8 m2) thuộc dự án Khu dân cư, tái định cư cánh đồng Sông Đông. Tổ chức bán đấu giá tài sản là Công ty Đấu giá Hợp danh Lam Sơn, địa chỉ số 95A, đường Quang Trung, phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa do đấu giá viên Trần Tất Hùng làm Giám đốc. Đơn vị có tài sản bán đấu giá là UBND thành phố Sầm Sơn.
Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất dự án là: 60.392.000.000 đồng (Sáu mươi tỷ, ba trăm chín mươi hai triệu đồng); giá cụ thể: 6.537.000 đồng/m2. Mỗi bộ hồ sơ tham gia đấu giá phải đặt trước số tiền: 12.078.400.000 đồng. Dự án được đấu giá trọn gói theo phương thức trả giá lên. Có hơn 20 khách hàng tham gia cuộc đấu giá với tổng số tiền đặt cọc phải nộp hơn 150 tỷ đồng.
Theo kế hoạch 8h30p sáng 15/1/2020, cuộc đấu giá bắt đầu diễn ra tại Hội trường UBND phường Quảng Cư với sự giám sát của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn. Thậm chí từ ngày 03/1/2020, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa Khương Duy Doanh đã ký văn bản số 05/CAT-PC03 gửi UBND thành phố Sầm Sơn và Công ty Đấu giá Hợp danh Lam Sơn về việc phối hợp phòng chống vi phạm trong tổ chức thực hiện đấu thầu, đấu giá.
Theo đó, Giám đốc Công an tỉnh cử các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, Công an thành phố Sầm Sơn liên hệ với đơn vị có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản để triển khai nhiệm vụ phối hợp đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên đến 9h30 cuộc đấu giá phải tạm dừng vì đấu giá viên bất ngờ bị...ốm.
Đấu giá viên ốm theo “kịch bản”?
Ngày trong ngày 15/1/2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn Phạm Văn Tuấn đã ký văn bản báo cáo và xin ý kiến hướng dẫn của Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa liên quan đến cuộc đấu giá quyền SDĐ tại MBQH khu dân cư, tái định cư cánh đồng Sông Đông.
Theo đơn vị có tài sản có tài sản bán đấu giá “giải trình” thì đến thời gian đấu giá theo quy định (8h30 ngày 15/1), đấu giá viên gọi điện báo cáo xin tạm lui thời gian đấu giá do sức khỏe không đảm bảo (bị đau bụng, chóng mặt, buồn nôn) và được đưa vào trạm y tế phường Quảng Cư cấp cứu.
Công ty đấu giá Hợp danh Lam Sơn được UBND thành phố Sầm Sơn chỉ định thầu tư vấn đấu giá QSD đất Dự án Khu dân cư, tái định cư cánh đồng Sông Đông.
“Trong thời gian chờ đợi đấu giá viên, UBND thành phố Sầm Sơn đã chỉ đạo Công ty đấu giá điểm danh khách hàng đấu giá, kiểm tra điều kiện tham dự đấu giá của từng khách hàng, ổn định tổ chức để chuẩn bị phiên đấu giá” – Văn bản của UBND thành phố Sầm Sơn nêu rõ.
Cũng theo báo cáo của UBND thành phố Sầm Sơn, đến 9h15p, đấu giá viên mới có mặt để điều hành phiên đấu giá nhưng vẫn chóng mặt, buồn nôn nên đã xin ý kiến khách hàng lùi thời gian đấu giá vào 14h cùng ngày và được sự đồng ý của khách hàng tham gia đấu giá. Bản thân đấu giá viên tiếp tục được nhân viên y tế đưa đi cấp cứu.
Trước tình huống “hy hữu” nêu trên, UBND thành phố Sầm Sơn không thống nhất việc đẩy lùi thời gian đấu giá và yêu cầu tạm dừng việc đấu giá quyền sử dụng đất. Theo cơ quan này, việc việc đẩy lùi thời gian đấu giá là không đảm bảo các quy định, không còn tính bảo mật thông tin khách hàng, có khả năng xảy ra tình trạng thỏa thuận về giá đấu giữa các khách hàng tham gia đấu giá.
Theo báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 11/2019 của UBND tỉnh gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2016-2019, Sở Tư pháp đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với 7 tổ chức đấu giá, tổng số tiền phạt là 91.500.000 đồng.
Trên cơ sở đó, UBND thành phố Sầm Sơn đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn quy trình, thủ tục về việc tổ chức thực hiện đấu giá lại quyền sử dụng đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, trách nhiệm của công ty tư vấn đấu giá và việc trả lại hồ sơ, tiền đặt cọc cho khách hàng được thực hiện như thế nào?
UBND thành phố Sầm Sơn chỉ đạo sai quy định của Luật Đấu giá tài sản
Việc đấu giá viên bị ốm đột ngột nhưng UBND thành phố Sầm Sơn lại chỉ đạo Công ty đấu giá điểm danh khách hàng đấu giá, kiểm tra điều kiện tham dự đấu giá của từng khách hàng là việc làm trái quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016. Khoản 4 Điều 6 Luật này quy định: “cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành, trừ trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện”; Điểm b Khoản 1 Điều 19 quy định đấu giá viên phải: “trực tiếp điều hành cuộc đấu giá”; Điểm a Khoản 1 Điều 41 quy định: đấu giá viên “giới thiệu bản thân, người giúp việc, công bố danh sách người tham gia đấu giá và điểm danh để xác định người tham gia đấu giá…”.
Đây cũng là quan điểm của Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa khi trả lời UBND thành phố Sầm Sơn. Theo cơ quan này thì Công ty đấu giá hợp danh Lam Sơn cử nhân viên của công ty tiến hành điểm danh khách hàng, kiểm tra điều kiện khách hàng tham gia đấu giá khi không có mặt đấu giá viên là không đảm bảo quy định của Luật đấu giá tài sản 2016.
Giá khởi điểm đất ở thực tế tại thời điểm được phê duyệt đang được dư luận cho là quá thấp
Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 24, Luật Đấu giá tài sản thì tổ chức bán đấu giá tài sản phải có nghĩa vụ tổ chức cuộc đấu giá liên tục theo đúng thời gian, địa điểm đã thông báo, trừ trường hợp bất khả kháng. Việc đấu giá viên bị ốm đột ngột mà không có phương án thay thế liệu có được xem là trường hợp bất khả kháng? Có hay không “kịch bản” được tạo ra để trì hoãn cuộc đấu giá vì mục đích của một “nhóm lợi ích” nào đó hay không?
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa (Đoàn LS thành phố Hà Nội) nhận định: “Việc tổ chức đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn nhưng UBND TP Sầm Sơn lựa chọn đơn vị đấu giá là Công ty đấu giá chỉ có 1 đấu giá viên, mà không có phương án đấu giá viên thay thế là điều cần phải làm rõ. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều tổ chức đấu giá kinh nghiệm, quy mô hơn không lựa chọn tại sao lại chọn 1 đơn vị đấu giá chỉ có 1 đấu giá viên để khi sự việc xảy ra không có đấu giá viên thay thế”.
Theo quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 56 Luật Đấu giá nêu rõ: Về tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá trong đó có tiêu chí: 1- b) Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; 2- e) Các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định. Như vậy, có thể làm rõ trách nhiệm của UBND TP Sầm Sơn dẫn đến cuộc đấu giá bị tạm dừng là khâu lựa chọn tổ chức đấu giá chưa được chính xác, đánh giá tiêu chí lựa chọn chủ quan, việc chuẩn bị phương án đấu giá không tốt”.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa (Đoàn LS thành phố Hà Nội) cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của các bên khi cuộc đấu giá bị dừng chỉ vì đấu giá viên bỗng dưng bị ốm
Liên quan đến vụ việc trên, một doanh nghiệp có địa chỉ tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (1 trong số khách hàng tham gia đấu giá) đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, UBND thành phố Sầm Sơn và Công ty đấu giá hợp danh Lam Sơn đề nghị được tiếp tục tham gia cuộc đấu giá một cách công khai, minh bạch, công bằng để lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm và tài chính thực hiện dự án, không phát sinh các tiêu cực, không làm thất thoát tài sản của nhà nước.
Theo đó ngày 14/1/2020, doanh nghiệp này đã nộp vào tài khoản của Công ty đấu giá hợp danh Lam Sơn 12.078.400.000 đồng và nhận được thông báo đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất Dự án Khu dân cư, tái định cư cánh đồng Sông Đông. Khác với “giải trình” của UBND thành phố Sầm Sơn, doanh nghiệp này cho biết, sau khi đấu giá viên bị ốm, họ đã chờ đợi tại nơi tiến hành cuộc đấu giá đến 17h cùng ngày thì mới được Công ty đấu giá hợp danh Lam Sơn thông báo bằng miệng là tạm dừng cuộc đấu giá. Việc tạm dừng cuộc đấu giá không phải lỗi thuộc về khách hàng.
Đối với quyền lợi của khách hành trong vụ việc nêu trên, Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho rằng: “Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá có quyền kiến nghị, hoặc khiếu nại về lí do tạm dừng cuộc đấu giá của UBND TP Sầm Sơn để làm rõ trách nhiệm của cá nhân nào thông qua việc lựa chọn tổ chức đấu giá trong cuộc đấu giá này. Và tiền đặt trước của cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải được xác định chuyển đến tài khoản sinh lãi theo quy định pháp luật, tránh thiệt hại cho cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá bị tạm dừng cuộc đấu giá.”
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kich-ban-cua-cac-nhom-loi-ich-post73576.html