Kịch bản kinh tế chuẩn bị cho giai đoạn 'hậu dịch'

Dù dịch Covid-19 có thể được khống chế trong quý I hay kéo dài tới quý II, kinh tế Việt Nam đều bị ảnh hưởng lớn. Nhiều doanh nghiệp đang vật lộn chống đỡ với 'bệnh nặng', đòi hỏi cấp thiết các giải pháp để giảm thiểu tác động và tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp.

Lượng hóa tác động chùm

Một tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu dịch Covid-19 được khống chế trong quý I thì các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc giảm 250 - 300 triệu USD.

Dịch kéo dài sang quý II thì kim ngạch xuất khẩu riêng ngành hàng này sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm có thể giảm tới 800 triệu USD. Đó là chưa kể tới các tác động như biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật mới ở nhiều thị trường quốc tế.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đánh giá về tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế chiều 12/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và cần đặt mục tiêu tái cơ cấu, hồi phục kinh tế sau dịch bệnh.

"Ngoài chống và đẩy lùi dịch bệnh, chúng ta phải chống loại virus nữa là virus trì trệ, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh mà không hành động", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, sẽ tính toán cụ thể những chính sách đưa ra để kích cầu, giảm phí, lệ phí, lãi suất trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành. Tuy nhiên, nếu chỉ với cách làm bình thường sẽ sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác, nên Thủ tướng yêu cầu "phải phấn đấu cao hơn, với giải pháp cụ thể, kịp thời và thích ứng tốt hơn nữa".

Với ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, đơn cử sản xuất bia, ngoài tác động từ Nghị định 100/2019/CP-NĐ xử phạt việc uống rượu bia khi lái xe, thì dịch bệnh khiến nhiều nhà hàng, quán xá vắng hoe, tiêu dùng giảm mạnh tiếp tục là “đòn đánh mạnh”. Ngay trong tháng 1, giá trị sản xuất đồ uống ghi nhận giảm 2,2%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 8%.

Các ngành như dệt may, da giày, tác động trong tháng 2 là chưa rõ rệt, vì doanh nghiệp thường dự trữ nguyên vật liệu cho sản xuất, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết. Tuy nhiên, từ tháng 3 trở đi, khi đã sử dụng hết phần dự trữ trong kho thì sao?

Điều này đã được nhiều doanh nghiệp phản ánh, nếu không có giải pháp kịp thời nối liền chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đang bị đứt gãy, họ có thể phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng.

“Công nhân nghỉ chờ việc, doanh nghiệp vẫn phải trả lương, đó sẽ là một gánh nặng rất lớn”, tổng giám đốc một công ty lo ngại.

Chịu tác động trực diện và nặng nề là ngành du lịch. Khách Trung Quốc đến Việt Nam quý I/2019 khoảng 1,45 triệu người, trong tháng 1/2020 là 644.000 người.

Nhưng hiện tại, không có khách Trung Quốc, còn lượng khách từ các quốc gia khác giảm khoảng 50 - 60%. Bình quân 1 khách Trung Quốc đến Việt Nam chi tiêu khoảng 743,6 USD, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu 1.141,5 USD.

Theo đó, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD; nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại sẽ vào khoảng 5 tỷ USD.

Tổng hội Tư vấn Du lịch còn tính toán, nếu dịch kéo dài đến quý II, Việt Nam có thể chịu thiệt hại lên tới 15 tỷ USD, tính cả doanh thu các ngành gián tiếp từ du lịch.

Thực tế trên đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có những chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lớn còn có khả năng chống chịu dài, có khả năng vượt qua tháng 3, tháng 4... nếu dịch chưa được khống chế, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa không có vốn, không có khả năng sản xuất đang rất nguy ngập.

Đây chính là nội dung của cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 12/2. Trước cuộc họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã họp và tổng hợp ý kiến của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, đồng thời Bộ xây dựng 2 kịch bản kinh tế để báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, thảo luận (xem đồ họa).

Hành động để chủ động

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là lúc để nhìn nhận nền kinh tế đang ở mức độ nào, sức chống chịu ra sao, mức độ phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc...

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị, đề xuất một loạt giải pháp.

Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay...

Thứ hai, Bộ Tài đánh giá tình hình thu, chi ngân sách nhà nước do ảnh hưởng của dịch và kiến nghị các giải pháp bảo đảm cân đối thu chi trong năm 2020.

Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch.

Chẳng hạn, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế; miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ.

Thứ ba, các bộ Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đơn vị liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; giải pháp về thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan bảo đảm an toàn cho các lao động phục vụ công tác vận tải tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc;

Các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất - kinh doanh do dịch;

Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó dễ cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa để loại bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp; các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác.

Thứ tư, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 cho từng dự án làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; tạo điều kiện cụ thể về chính sách để các công trình lớn đã được hoàn thành trong năm 2019 được phát huy tối đa công suất thiết kế, tạo thêm động lực tăng trưởng cho năm 2020.

Các giải pháp dài hơi hơn như thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng ít phụ thuộc hơn, tăng cường khả năng chống chọi và thích ứng với các biến động tốt hơn, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, cũng cần được triển khai sớm.

Thủy Nguyễn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thoi-su/kich-ban-kinh-te-chuan-bi-cho-giai-doan-hau-dich-314406.html