Kịch bản nào cho bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ?
Ngày 8/11 tới, nước Mỹ có cuộc bầu cử quốc hội được gọi là bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vì diễn ra giữa hai cuộc bầu cử tổng thống.
Cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tất cả 435 dân biểu trong Hạ viện, 35 trong tổng số 100 thượng nghị sĩ và thống đốc của 36 bang. Trong lưỡng viện lập pháp Mỹ hiện tại, phe đảng Dân chủ có 223 ghế ở Hạ viện và 48 ghế ở Thượng viện, phía đảng Cộng hòa có 212 ghế ở Hạ viện và 50 ghế ở Thượng viện.
Ở Thượng viện, phe đảng Dân chủ có được đa số trên thực tế nhờ lá phiếu của 2 thượng nghị sĩ độc lập và của phó tổng thống Kamala Harris. Kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm nay chắc chắn làm thay đổi tương quan lực lượng chính trị này.
Bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ thường có 3 nét đặc biệt. Thứ nhất, nó được coi như một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về nửa nhiệm kỳ cầm quyền của tổng thống đương nhiệm như ông Joe Biden thuộc đảng Dân chủ hiện tại. Nó tác động như một chiếc hàn thử biểu về thực trạng tình hình chính trị và xã hội Mỹ.
Thứ hai, ngoài rất ít trường hợp ngoại lệ ra, phe cầm quyền, tức là phe có tổng thống đương nhiệm, thường bị thất cử. Thất cử với mức độ như thế nào và thất cử ở Hạ viện hay Thượng viện lại là chuyện khác.
Thứ ba, phải sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ thì mới dần lộ diện những vị có ý định và tham vọng ứng cử cho cuộc bầu cử tổng thống tới.
Bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vì thế có tầm quan trọng đặc biệt. Kết quả của nó sẽ tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho tổng thống cầm quyền trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Nó đưa lại rất nhiều báo hiệu về cuộc bầu cử tổng thống tới ở nước Mỹ. Phải sau cuộc bầu cử này, cả ông Biden lẫn cựu tổng thống Donald Trump mới quyết định có ra tranh cử tổng thống hay không. Ai trong số hai người ấy ra tranh cử thì những người khác ít có khả năng được đảng của họ đề cử.
Những chủ đề nội dung chi phối cuộc vận động tranh cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm nay là tỷ lệ lạm phát cao, vấn đề cấm phụ nữ phá thai, chuyện giá năng lượng leo thang, vấn đề di cư và nhập cư, tình trạng tội phạm và sử dụng súng đạn gây chết chóc và bạo lực ở Mỹ.
Những chủ đề đối ngoại như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, hay bất hòa với Trung Quốc hoặc đối địch Nga. Nhưng tương quan lực lượng chính trị trong lưỡng viện lập pháp thay đổi sẽ mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi vận hành chính sách đối ngoại của tổng thống.
Cứ theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ thời gian qua thì nhiều khả năng ông Biden và phe đảng Dân chủ không có lý do xác đáng để vui mừng về kết quả bầu cử. Chúng đều cho thấy phía đảng Cộng hòa sẽ thắng ở Hạ viện hoặc thắng ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Kịch bản kết quả được dành cho nhiều khả năng xảy ra nhất là phe đảng Cộng hòa có được đa số trong Hạ viện và phía đảng Dân chủ kiểm soát được Thượng viện. So với hiện tại, kịch bản kết quả này có nghĩa là phía đảng Dân chủ thất cử ở Hạ viện. Xếp tiếp theo trong thứ bậc về khả năng xảy ra là kịch bản kết cục phe đảng Cộng hòa kiểm soát được cả lưỡng viện lập pháp. Đây sẽ là kịch bản tồi tệ nhất đối với ông Biden, buộc người này phải cân nhắc thật sự kỹ càng về việc có nên tái ứng cử tổng thống hay không. Kịch bản này sẽ khích lệ tối đa ông Trump lần nữa chạy đua vào Nhà Trắng.
Ở vị trí thứ ba là kịch bản kết quả bầu cử phía đảng Dân chủ giành về thắng lợi ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Đây là kịch bản tốt nhất cho ông Biden và sẽ khiến ông Trump ngần ngại đến mức không ứng cử tổng thống lần nữa, bất kể ông Biden quyết định như thế nào. Nó hiện là giấc mơ quá hay và quá đẹp đối với phe đảng Dân chủ.
Một kịch bản kết cục nữa không thể loại trừ trên lý thuyết là phía đảng Cộng hòa chinh phục Thượng viện, trong khi phe đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Hạ viện. Kịch bản này gần như không khả thi bởi phe đảng Cộng hòa có thể không giành về đa số trong hạ viện, nhưng không thể có được 27 trong tổng số 35 ghế Thượng viện bầu lại lần này, bởi phe đảng Cộng hòa phải giành thêm được ít nhất 3 ghế hiện do phe đảng Dân chủ nắm giữ và bảo vệ được tất cả 24 ghế thuộc phe mình trong diện bầu lại năm nay.
Kịch bản nào rồi đây trở thành thực tế thì nước Mỹ vẫn tiếp tục bị phân rẽ sâu sắc về chính trị và xã hội với chiều hướng gia tăng mức độ trầm trọng chứ chưa thể ngược lại.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kich-ban-nao-cho-bau-cu-quoc-hoi-giua-nhiem-ky-o-my.html