Kịch bản nào cho VN-Index tháng 7 và cuối năm?

Thị trường chứng khoán những tháng cuối năm được dự báo diễn biến tích cực hơn, nhưng mức độ gập ghềnh vẫn hiện hữu bởi rủi ro, thách thức khó lường. Nhiều ý kiến cho rằng, VN-Index có thể sẽ không tăng trưởng mạnh như các đưa ra từ đầu năm, nhưng về cơ bản vẫn tích cực hơn trong giai đoạn nửa đầu năm.

VN-Index sẽ vượt vùng 1.200 điểm?

Thị trường chứng khoán (TTCK) những tháng cuối năm vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua khi những rủi ro về lạm phát, tăng lãi suất, giá nguyên liệu, căng thẳng địa chính trị,… trên toàn cầu chưa có hồi kết. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam được dự báo có phần tích cực hơn, thậm chí có thể là điểm sáng nếu so sánh về mức định giá và các yếu tố kinh tế vĩ mô, nội tại của doanh nghiệp với các thị trường trong khu vực. Do vậy, chỉ số VN-Index khó tạo được sự bất ngờ, nhưng về cơ bản sẽ có diễn biến tích cực hơn so với giai đoạn từ đầu quý II tới nay.

Theo báo cáo triển vọng TTCK Việt Nam nửa cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã hạ dự phóng chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2022 xuống 1.418 điểm (từ mức 1.680 điểm đưa ra cuối quý II), với kịch bản cơ sở suy thoái kinh tế Mỹ sẽ chưa diễn ra trong 2 quý cuối năm, dù rủi ro vẫn hiện hữu.

Các chuyên gia của KBSV dự báo, sau giai đoạn điều chỉnh mạnh trong quý II, P/E trượt 12 tháng của VN-Index đang ở mức 13,2 lần. Với giả định thận trọng, lợi nhuận sau thuế (EPS) bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE tăng 15,1% so với năm trước, P/E dự phóng 2022 của VN-Index ở mức 12,2 lần.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều cơ hội tích cực hơn. Ảnh: Duy Dũng

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) kỳ vọng, VN-Index sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay. Tương ứng vùng P/E hợp lý từ 12,8 – 15,1 lần, MASVN cho rằng, VN-Index có thể quay lại vùng 1.300 - 1.530 điểm trong nửa cuối năm.

Riêng trong tháng 7 này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.180 – 1.250 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, khi giá dầu tăng mạnh trở lại, đồng thời tăng trưởng kinh tế Mỹ xác nhận đi vào “suy thoái kỹ thuật”, chỉ số VN-Index có thể diễn biến xấu hơn so với mức kỳ vọng. Chiến lược đầu tư mang tính phòng thủ cao vẫn được khuyến nghị cho tháng 7.

Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, kênh giá 1.150 - 1.223 điểm có thể là vùng dao động chính của VN-Index trước khi xác nhận xu hướng tiếp theo bằng cách chinh phục cạnh trên hoặc phá vỡ cạnh dưới của kênh giá. Theo đó, các giao dịch ngắn hạn có thể tận dụng gia tăng vừa phải tỷ trọng cổ phiếu sau khi VN-Index hồi phục lại từ cạnh dưới (1.150 điểm) với khối lượng cải thiện và hạ tỷ trọng khi chỉ số tiệm cận cạnh trên (1.223 điểm).

Cơ hội dành cho nhóm cổ phiếu nào?

Theo ông Thái Quang Trung - Phó Giám đốc đầu tư Khối Quỹ mở cổ phiếu và trái phiếu của VinaCapital, trong 6 tháng cuối năm nay, biên lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết giảm do rủi ro về tỷ giá, lạm phát và lãi suất, đẩy giá đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, điểm sáng cho bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đến từ việc Chính phủ gỡ nút thắt ở các ngành trọng điểm.

Chuyên gia của VinaCapital còn cho hay, giả sử trong trường hợp kinh tế Mỹ và châu Âu suy thoái ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, thì mức độ tác động trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế và TTCK không nhiều. “Tiêu dùng nội địa vẫn chiếm phần lớn giá trị gia tăng của nền kinh tế và tỷ trọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết” – ông Thái Quang Trung cho biết lý do.

Trông chờ vào động lực chính là sức đề kháng tốt của kinh tế Việt Nam

Theo các chuyên gia của KBSV, động lực tăng trưởng chính của thị trường chứng khoán trong 6 tháng cuối năm nay sẽ đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ ngoại biên, cũng như đà tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết. Kỳ vọng thị trường trong quý III này sẽ sớm bước vào nhịp hồi ngắn hạn, phản ứng với các chỉ tiêu vĩ mô tích cực được công bố, cũng như mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, đặc biệt sau nhịp điều chỉnh sâu ở nhóm cổ phiếu tính chu kỳ cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các ngành liên quan. Trong kịch bản cơ sở suy thoái kinh tế Mỹ chưa xảy ra trong 6 tháng cuối năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có xu hướng hồi phục khi các yếu tố cơ bản nội tại trong nước (tăng trưởng GDP, tiêu dùng trong nước phục hồi, tăng trưởng xuất khấu, thu hút vốn FDI…) dần phản ánh rõ nét hơn lên kết quả kinh doanh các doanh nghiệp, theo đó là diễn biến khởi sắc của giá cổ phiếu.

Cũng tại Chương trình Bí mật đồng tiền mới đây, ông Nguyễn Huy Hà - Giám đốc kinh doanh Công ty Chứng khoán SSI - chi nhánh Mỹ Đình cho biết, ngành ngân hàng có thể tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm. Xét về mặt kỹ thuật, ngành này đã được điều chỉnh 1 năm trở lại đây; trong khi đó, việc lãi suất bắt đầu tăng có thể tăng nguồn tiền cho ngân hàng, làm cho nhóm này có thể có sự tăng trưởng ổn định.

Mới đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng đã đưa ra 5 luận điểm đầu tư cho nửa cuối năm 2022. Thứ nhất, ngành dịch vụ sẽ phục hồi nhanh hơn và dẫn đầu là du lịch hàng không.

Thứ hai, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các doanh nghiệp với lượng “tiền mặt” lớn có thể được hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng, riêng lĩnh vực ngân hàng là đại diện tốt nhất cho sự hồi sinh của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, giá một số hàng hóa cơ bản có xu hướng đạt đỉnh trong nửa cuối năm 2022 sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất sữa và thực phẩm.

Thứ tư, đầu tư công sẽ tăng tốc trong những tháng tới nhờ những nỗ lực gần đây của Chính phủ và sự đảo chiều giá vật liệu xây dựng. Cuối cùng, phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ là câu chuyện đầu tư dài hạn mang lại tăng trưởng cho một số cổ phiếu ngành điện và dầu khí.

Chu Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kich-ban-nao-cho-vn-index-thang-7-va-cuoi-nam-108636-108636.html