Kịch bản nào sau 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế đối ứng?

Dù chưa thể đoán định kết quả cuối cùng sau 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế đối ứng, nhiều chuyên gia cho rằng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng thích ứng, chủ động xây dựng chiến lược mới và khẳng định vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp quan tâ, trong khuôn khổ webinar về “Chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Giải pháp ứng phó trong năm 2025 của doanh nghiệp Việt Nam”, do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức sáng ngày 25/4.

Chuyên gia đưa ra “3,5 kịch bản”

Theo phân tích của GS-TS. Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana (Mỹ), Nhà sáng lập Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam, kịch bản đầu tiên là tích cực, khi mức thuế 10% được duy trì và các quốc gia chấp nhận đây là tiêu chuẩn mới trong thương mại quốc tế. Trong trường hợp này, Mỹ sẽ đạt được đòn bẩy đàm phán như mong muốn và không xảy ra căng thẳng lớn về mặt thương mại.

Kịch bản thứ hai mang tính trung lập, khi một số nước đạt được thỏa thuận với Mỹ, số còn lại tiếp tục đàm phán. Mức thuế sẽ được duy trì thêm vài tháng hoặc thậm chí cả năm trước khi có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra sự thiếu chắc chắn cho các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Kịch bản tồi tệ nhất là Mỹ thất bại trong việc đạt được thỏa thuận với các nước. Khi đó, thuế quan tiếp tục leo thang, gây ra rối loạn cho thị trường toàn cầu. Chi phí sẽ bị đẩy về phía người tiêu dùng Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu và các mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là viễn cảnh mà cả doanh nghiệp và chính phủ đều không mong muốn nhưng cần chuẩn bị đối phó.

“Tôi nghiêng về kịch bản "rưỡi", tức là một giải pháp trung dung – sẽ có sự thay đổi, nhưng chưa phải là thay đổi toàn diện. Mỹ có thể sẽ đạt được một số thỏa thuận, nhưng không thể hoàn tất với tất cả các quốc gia. Đối với một số quốc gia, thỏa thuận sẽ chỉ dừng lại ở mức khung MOU, và quá trình đàm phán sẽ tiếp tục kéo dài. Thực tế trong quá khứ, thời gian đàm phán có thể kéo dài từ 6 tháng đến 18 tháng, và ngay cả khi ký kết MOU, việc thực thi có thể mất thêm từ 24 đến 36 tháng”, GS-TS. Ngọc Anh nói.

Trong phần thảo luận mở, các chuyên gia đã đưa ra 3 kịch bản chính sau thời điểm kết thúc 90 ngày tạm hoãn.

Giải pháp ứng phó cho doanh nghiệp Việt

Theo GS-TS. Nguyễn Đức Khương, Việt Nam cần xác định tinh thần “thích ứng linh hoạt trong sương mù”, tức là chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với những thay đổi không chắc chắn và linh hoạt trong việc thích ứng với các tình huống mới trong quá trình đàm phán cũng như khi thỏa thuận được ký kết. Ông nhấn mạnh, trong tình huống này, Việt Nam không nên vội vàng, mà cần thận trọng, đi từng bước và đánh giá tình hình để đưa ra các quyết định hợp lý.

Cụ thể, GS-TS. Khương cho rằng kịch bản khả thi nhất cho Việt Nam là tiếp tục duy trì các kết nối chiến lược, như Bộ Chính trị và Chính phủ đã thực hiện trong các cuộc đàm phán với Mỹ và các đối tác quốc tế. Đàm phán phải dựa trên các tính toán tổng thể, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, mà còn phải mở rộng ra các yếu tố như đầu tư hai chiều, nhằm tạo ra cơ hội mới và cân đối lại nền kinh tế quốc gia.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải chịu thuế đối ứng từ Mỹ, Việt Nam cần có sự hợp tác đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ WTO, nơi đã xây dựng các luật chơi thương mại cơ bản. Việc tìm kiếm các mô hình thương mại mới sẽ giúp tránh tình trạng trả đũa thương mại và bảo vệ lợi ích của các quốc gia.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, GS-TS. Khương nhấn mạnh cần xây dựng tinh thần tích cực và chủ động trong việc đa dạng hóa thị trường. Mặc dù không thể thực hiện ngay lập tức, nếu không bắt tay vào việc này từ sớm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào các quốc gia lớn như Trung Quốc và Mỹ.

Trong giai đoạn ngắn hạn, doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ các chính sách và đàm phán quốc tế, đồng thời điều chỉnh các chiến lược marketing và chính sách giá. Cụ thể, doanh nghiệp cần đàm phán với đối tác, bạn hàng để chia sẻ các vấn đề liên quan đến giá cả, nhằm thích ứng với những thay đổi về thuế quan. Điều này giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định trong một môi trường đầy biến động và không chắc chắn. Đồng thời, nhanh chóng thiết lập cơ chế đánh giá rủi ro thương mại theo ngành để có dữ liệu kịp thời, phục vụ cho việc ra quyết định nhanh.

Về những giải pháp trung và dài hạn, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Việc cải thiện hàm lượng giá trị gia tăng và tỷ lệ "Made in Vietnam" sẽ giúp doanh nghiệp duy trì thị phần và đối phó với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến các quy định về xuất xứ sản phẩm và yêu cầu về trách nhiệm xã hội (ESG) khi tiếp cận các thị trường như EU. Việc tuân thủ các quy định về thuế carbon cũng rất quan trọng, bởi các yêu cầu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn gốc phát thải carbon.

Có góc nhìn về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) đề xuất 3 hướng đi chiến lược mà doanh nghiệp Việt cần cân nhắc ngay từ bây giờ.

Một yếu tố quan trọng khác là nâng cao hàm lượng nội địa và đảm bảo minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm rõ vai trò của từng đối tác trong chuỗi cung ứng, tôn trọng nghiêm ngặt quy định về xuất xứ hàng hóa. Nếu bị nghi ngờ là điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, sau mốc 90 ngày, quan hệ thương mại Việt - Mỹ có thể sẽ bước vào giai đoạn định hình lại thế cân bằng. Trong khi chính sách vĩ mô giữa hai chính phủ tiếp tục được thương thảo, các doanh nghiệp Việt cần sẵn sàng ngay từ bây giờ để không bị động trước những biến động lớn của thương mại toàn cầu. Chủ động ứng phó, chuẩn bị kỹ lưỡng cho các tình huống khác nhau sẽ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp giữ vững thị phần và tận dụng cơ hội trong bối cảnh bất định.

Doanh nghiệp ngành gỗ lạc quan đối mặt chính sách thuế quan mới

Doanh nghiệp ngành gỗ lạc quan đối mặt chính sách thuế quan mới

DOANH NGHIỆP LẠC QUAN ĐỐI MẶT CHÍNH SÁCH THUẾ QUAN MỚI

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA):

Theo ghi nhận của HAWA, đến thời điểm hiện nay, có thể nói là chưa có nhiều việc hủy hay giảm đơn hàng. Các đơn hàng đồ gỗ vẫn đang được giao, mặc dù có một số doanh nghiệp phản ánh rằng đơn hàng có thể giao chậm lại. Mặc dù có một số phản ánh về việc giao hàng chậm trễ, phần lớn các đơn hàng vẫn được thực hiện theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, quan hệ giữa các nhà sản xuất và các nhà mua hàng hiện đang trong trạng thái chần chừ, với các nhà mua hàng yêu cầu điều chỉnh mức thuế mới.

Ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ tại Webinar

Trong khi nhiều nhà mua hàng lớn chậm lại trong việc đặt hàng, một xu hướng ngược lại là sự gia tăng các nhà mua hàng mới tìm đến thị trường Việt Nam thay thế sản xuất từ Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề “transhipment” (giả mạo xuất xứ) là mối lo ngại của các doanh nghiệp.

Để biến thách thức thành động lực, doanh nghiệp trong ngành cần chiến lược phát triển bền vững và tìm kiếm cơ hội mới tại các thị trường quốc tế, đồng thời không nên bỏ qua thị trường nội địa, dù đây là thị trường nhỏ nhưng cũng cần được quan tâm đúng mức.

Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tham gia vào các cuộc đàm phán từ cấp đầu, tranh thủ thời gian vàng 90 ngày. Chính phủ cũng cần quyết định giao cơ quan thực thi cấp CO (Certificate of Origin) đối với các đối tác thương mại, điều này sẽ giúp đảm bảo quản lý xuất xứ hiệu quả, một vấn đề quan trọng và cấp bách đối với ngành gỗ.

Ông Lê Phụng Hào - Chủ tịch Global AAA Consulting:

Nhìn theo hướng tích cưc, chính sách thuế quan có thể giúp Việt Nam tận dụng việc chuyển dịch FDI từ Trung Quốc, tạo ra cơ hội để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, là động lực để doanh nghiệp Việt Nam củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.

Ông Lê Phụng Hào chia sẻ tại Webinar

Tuy nhiên, việc thị trường Mỹ hiện vẫn là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh đến việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất lao động. Để chủ động ứng phó và duy trì ổn định, các doanh nghiệp cần tích cực nắm bắt thông tin và triển khai các giải pháp linh hoạt. Một trong những chiến lược quan trọng là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giúp giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Bằng cách mở rộng sang các thị trường khác, doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển bền vững hơn trong tương lai. Dù đối mặt với thách thức, nhưng với sự chuẩn bị chủ động, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể biến những khó khăn này thành cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn.

Xem bài liên quan đến Webinar “Chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Giải pháp ứng phó trong năm 2025 của doanh nghiệp Việt Nam”:

Trật tự thương mại toàn cầu trước làn sóng thuế quan từ Mỹ

“Bài kiểm tra” 11 tiêu chí của Mỹ và khả năng đáp ứng của Việt Nam

Hưng Khánh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/kich-ban-nao-sau-90-ngay-my-hoan-ap-thue-doi-ung-317454.html