Kịch bản ngập lụt năm Giáp Thìn đang lặp lại?

Sự chuyển pha liên tục của các hình thái từ El Nino sang La Nina khiến thời tiết sẽ có nhiều biến động và nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa dông, lũ lụt và bão nhiều.

Những lần ngập lụt nghiêm trọng vào năm Giáp Thìn

Theo thống kê, những năm Thìn thường có bão tố dữ dội và lũ lụt kèm theo. Bằng chứng gần đây nhất là 2 trận bão, lũ lụt năm 1904 và 1964.

Năm Giáp Thìn 1904 đã xảy ra cơn bão kinh hoàng ở vùng Gò Công xưa, dân gian thường gọi là "Năm Thìn bão lụt". Đó là ngày 1/5/1904, tức ngày 16/3 năm Giáp Thìn, tâm bão vào ven biển Gò Công nhưng khu vực tàn phá từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Rạch Giá, Cà Mau.

Theo thống kê của chính quyền tỉnh Định Tường và Gò Công thời đó, có hơn 5.000 người chết, nhiều vật nuôi bị nhấn chìm, nhà cửa sập đổ la liệt. Nam Kỳ tuần báo số 85, ra ngày 8/6/1944, có bài Trận bão năm Thìn của Mỹ Xuân tường thuật khá chi tiết về cơn bão này trên đất Sài Gòn: "... Có đến 900 cây lớn trốc gốc nằm ngổn ngang trên các con đường, lá cây rụng lấp cả đường đi. Nhà lá thì trốc lá bay tứ tung khắp nơi, phủ dày mặt đường có chỗ lên đến 2 mét. Trong chợ, các thớt thịt ngã đổ chất đống lên nhau".

60 năm sau, vào năm 1964 - năm Giáp Thìn, đồng bào miền Trung phải hứng chịu trận lũ lịch sử, gây thiệt hại thảm khốc cho các tỉnh thành từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Nặng nề nhất là Quảng Nam.

Kịch bản ngập lụt năm Giáp Thìn có thể lặp lại.

Kịch bản ngập lụt năm Giáp Thìn có thể lặp lại.

Làng Đông An (xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) là nơi hứng chịu tang thương nhiều nhất khi lũ đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, san bằng làng mạc. Đặc biệt, trận lụt đã cuốn gần hết người trong làng, tổng cộng 1.481 người chết, chỉ sống sót được 19 người. Thảm họa này được lưu truyền trong dân gian với tên gọi "Đại họa năm Thìn".

Trong hai ngày 6-7/9 năm Giáp Thìn 2024, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đổ bộ vào đất liền khu vực các tỉnh phía Bắc. Dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng trong công tác phòng chống bão của cả chính quyền, người dân, mức công phá của cơn bão vẫn được cho là ngoài sức tưởng tượng.

Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cơn bão số 3 là cơn bão rất đặc biệt, bắt nguồn từ phía đông của Philippines và đã mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông. Đây cũng là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm trở lại đây.

Báo cáo cho biết sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh đạt cấp 16, giật trên cấp 17. Đáng chú ý, vào thời điểm tới đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng, sức gió mạnh nhất ở cấp 13 - cấp 14, giật cấp 16 - cấp 17. Bên cạnh đó, hoàn lưu bão Yagi tạo nên phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc bộ - Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố) gây mưa lớn cho khu vực này, nhất là khu vực miền núi phía bắc.

Ngay từ đầu năm 2024, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai đã đưa ra những dự báo năm nay sẽ có sự chuyển pha liên tục của các hình thái thời tiết. Sự chuyển pha đột ngột sang La Nina khiến thời tiết sẽ có nhiều biến động và nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa dông, lũ lụt và bão nhiều.

Hình thái chuyển pha đột ngột từ El Nino sang La Nina từng ghi nhận vào năm 1964 (năm Thìn). Thời kỳ đó, El Nino xuất hiện từ tháng 5/1963 và kéo dài đến hết tháng 1 năm 1964. Ngay sau đó La Nina xuất hiện từ tháng 4/1964 đến cuối năm ấy. Trong ký ức của nhiều người lớn tuổi ở miền Trung chắc còn nhớ trận lụt năm Giáp Thìn đã cuốn trôi đi bao làng mạc và hơn 10.000 người ở các tỉnh từ Huế tới Quảng Ngãi.

"Ngày nay nhà cửa và hạ tầng đã tốt hơn, bản tin dự báo bão lụt đã tốt hơn nên hy vọng nếu lụt lớn xảy ra sẽ không còn thiệt hại về nhân mạng", ông Huy nói.

TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định, số lượng các cơn bão năm nay sẽ nhiều hơn năm 2023. Rất khó để xác định cụ thể có bao nhiêu cơn bão vào Việt Nam vào năm 2024. Nếu tính theo quy luật chuyển pha đột ngột từ El Nino sang La Nina thì số lượng các cơn bão vào Biển Đông của Việt Nam có thể nhiều hơn 10 cơn bão.

Thời tiết bất thường, không theo quy luật

TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định, các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng biến đổi khí hậu đang chi phối các hình thái thời tiết thay vì các pha của ENSO. Chính vì vậy, những diễn biến bất thường của thời tiết có thể xảy ra không theo quy luật bất kể đó là pha nào.

Theo thống kê từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra trên toàn cầu là xu thế không thể đảo ngược. Cũng theo báo cáo trên, nhiệt độ trung bình bề mặt khí quyển toàn cầu được dự báo theo kịch bản cao nhất vào cuối thế kỷ (2081-2100) có thể tăng lên đến mức 4,4 độ C (từ 3,3-5,7 độ C) làm cho mùa Đông trong tương lai ấm hơn.

TS Nguyễn Ngọc Huy cho rằng, về mặt chính sách, Việt Nam đã có chương trình mục tiêu quốc gia và chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có kế hoạch chiến lược ứng phó thiên tai với tầm nhìn 5 năm, 10 năm, thậm chí xa hơn.

"Ở góc nhìn của tôi, điều cấp bách nhất là mỗi người và mỗi gia đình cần nâng cao năng lực chống chịu thiên tai và khí hậu cực đoan. Người Việt Nam thấy nước lên thì kê cao đồ đạc, be bờ. Chúng ta phải biến nó thành thích ứng có chiến lược, có quy hoạch và dài hạn mới giải quyết triệt để vấn đề", TS Huy nói.

Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, La Nina xuất hiện thường gắn với hiện tượng mưa nhiều hơn so với mức bình thường. Trong khi đó, La Nina xuất hiện vào đúng mùa mưa khu vực Trung Trung bộ, do đó, với kịch bản xuất hiện La Nina như vậy, nhiều khả năng nguy cơ ở các tỉnh khu vực Trung Trung bộ, trong mùa mưa lũ năm nay, tập trung vào các tháng 9,10,11, lượng mưa sẽ ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Thực tế đối với các năm có tác động của hiện tượng La Nina trước đây cũng thường xuất hiện các đợt mưa lớn dồn dập. Gần đây nhất, chúng ta chứng kiến năm 2020, dưới tác động của hiện tượng La Nina, nhiều tỉnh khu vực miền Trung trong khoảng tháng 10,11 đã trải qua các đợt tác động của mưa lớn diện rộng, kèm với đó là lũ, ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, phải có sự phối hợp đồng bộ. Các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn rất quan trọng nhưng chưa phải là yếu tố quyết định tất cả. Khi có thông tin cảnh báo sớm, chúng ta phải có hành động sớm. Về dự báo mưa lớn trong các tháng cuối năm, hiện nay, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn mùa mưa lũ, nên dự báo tình hình mưa và lũ vẫn có khả năng diễn biến phức tạp.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/kich-ban-ngap-lut-nam-giap-thin-dang-lap-lai-169240909090448703.htm