Kịch bản tăng trưởng 2021: Dấu ấn và triển vọng

Khép lại năm 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND tỉnh cùng nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sáng tạo trong nếp nghĩ, cách làm; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nhờ đó, diện mạo kinh tế, xã hội của tỉnh Sơn La có nhiều khởi sắc; đời sống nhân dân được cải thiện. Sơn La đã trở thành một hiện tượng của cả nước trong tái cơ cấu kinh tế với nhiều gam màu sáng.

Dấu ấn lạc quan

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2020, tổng sản phẩm địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 30.090 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 6,23%; xếp thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; xếp thứ 12 trong cả nước.

Vùng chuyên canh cây ăn quả của huyện Mai Sơn.

Vùng chuyên canh cây ăn quả của huyện Mai Sơn.

Ảnh: PV

Khu vực nông lâm thủy sản tăng 4,39% tăng 1,88 điểm phần trăm so với mức tăng năm 2019, đóng góp 1,12 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung, trong đó các ngành: nông nghiệp tăng 4,77%, lâm nghiệp tăng 1,46% thủy sản tăng 1,63%.

Khu vực công nghiệp, xây dựng đạt mức tăng trưởng cao tăng 9,87% so với năm 2019, đóng góp 2,83 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Trong đó khu vực công nghiệp tăng 12,9% so với năm 2019, đóng góp 2,52 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Lĩnh vực xây dựng tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, do đó đạt mức tăng 3,35%.

Khu vực dịch vụ tăng 4,4% đóng góp 1,71 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Tốc độ tăng của lĩnh vực này thấp hơn 1,16% so với năm trước bởi ảnh hưởng của đại dịch covid-19 đến tất cả các ngành dịch vụ có tính chất thị trường.

Vùng trồng cây ăn quả tập trung ở xã Cò Nòi (Mai Sơn).

Vùng trồng cây ăn quả tập trung ở xã Cò Nòi (Mai Sơn).

Nhìn vào con số biết nói, càng khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp vượt qua khó khăn, thách thức, đại dịch covid-19, thiên tai, hạn hán thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa bảo đảm phòng, chống dịch covid-19, vừa duy trì phát triển SXKD. Một Sơn La hiện hữu, với những đổi thay kỳ diệu trong tâm khảm mỗi người dân.

Dự báo những nhân tố tăng trưởng

Năm 2021, dự báo nhân tố tăng trưởng ngành nông nghiệp có nhiều thuận lợi: Diễn biến thời tiết không phức tạp, chủ động được các phương án phòng chống thiên tai, bảo vệ SXKD. Bên cạnh đó, Sơn La có nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn, nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau, lại thêm cao nguyên Mộc Châu và cao nguyên Nà Sản là lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn và thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Ngành công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, trọng tâm là sản xuất và phân phối điện; công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động đầu tư của khu vực nhà nước và ngoài nhà nước tiếp tục tăng trưởng, phân bổ sử dụng và quản lý hiệu quả các nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; các hoạt động xúc tiến đầu tư thu hút các nhà đầu tư lớn với công nghệ cao vào các lĩnh vực có lợi thế và thế mạnh của tỉnh.

Đặc biệt, năm 2021, triển khai thực hiện các dự án khu du lịch quốc gia Mộc Châu; tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; tuyến tránh Thành phố; các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, huyện, thành phố. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu... Đó là những nhân tố tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Triển vọng kinh tế của tỉnh

Với năng lực sản xuất một số ngành, lĩnh vực chủ chốt, kinh tế của tỉnh trong năm 2021 tiếp tục được củng cố, cải thiện chất lượng tăng trưởng thông qua việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững hơn.

Năm 2021, Sơn La tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.100 tỷ đồng; huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 22 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 160 triệu USD, trong đó giá trị hàng hóa nông sản thực phẩm tham gia xuất khẩu ước đạt 150 triệu USD. Tổng lượt khách du lịch đạt 2,95 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch 2.246 tỷ đồng. Lao động việc làm được bảo đảm, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3,77%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15,62%.

Dự báo sản lượng sắn đạt 493.320 tấn tăng 13%; ngô 369.000 tấn, tăng 2%; cà phê 29.881 tấn, tăng 4%; mủ cao su 4.920 tấn, tăng 23%; chè búp tươi 53.064 tấn, tăng 10%. Trồng mới 8.242 ha cây ăn quả và cây sơn tra, nâng tổng diện tích lên 87.090 ha, sản lượng quả 448.630 tấn. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 81.130 tấn tăng 10,2%; thủy sản 7.310 tấn, tăng 1,5%. Dự kiến năm 2021, một số nhà máy chế biến đi vào hoạt động chính thức, như: Trung tâm chế biến xuất khẩu DOVECO tại Mai Sơn; Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao - Tập đoàn TH; Nhà máy chế biến, bảo quản nông sản khu công nghệ cao của Công ty trách nhiệm hữu hạn IC food Sơn La tại Vân Hồ. Thêm 8 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với tổng công suất lắp máy 137,6 MW.

Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng trở lại trong bối cảnh kiểm soát tốt bệnh dịch, các hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu dùng hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới, dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 21.1974 tỷ đồng...

Những giải pháp căn cơ

Để kịch bản tăng trưởng trở thành hiện thực, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng; tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch covid-19 vừa phát triển SXKD. Tăng cường kiểm tra, giám sát các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu.

Cải thiện môi trường đầu tư, huy động và thu hút các nguồn lực bảo đảm các cân đối cho đầu tư phát triển. Tập trung hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; điều chỉnh bổ sung kịp thời các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành đáp ứng yêu cầu phát triển. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách của tỉnh bảo đảm phù hợp. Chủ động trong điều hành ngân sách, nuôi dưỡng và tạo lập các nguồn thu phù hợp với quy định của pháp luật; thực hiện triệt để tiết kiệm chi. Tiếp tục tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công bảo đảm hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của các dự án đầu tư.

Ca sản xuất của công nhân Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

Ca sản xuất của công nhân Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, các nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao; phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La; năng lượng điện mặt trời, điện gió. Thực hiện giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường đối thoại, trao đổi và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo; triển khai các chính sách tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tập thể và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới mô hình tăng trưởng cơ cấu lại các ngành kinh tế bảo đảm thực chất, hiệu quả; ứng dụng công nghiệp công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, cải thiện môi trường sinh thái. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác, tự nguyện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Phát huy hiệu quả các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, đổi mới công nghệ đầu tư mở rộng quy mô nâng cao chất lượng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Giờ dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.

Giờ dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ảnh: Phạm Đức

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, tiếp tục rà soát sắp xếp kiện toàn tinh gọn đầu mối các tổ chức hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội phúc lợi xã hội; duy trì các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục, y tế; bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội. Phát huy hơn nữa sức mạnh đoàn kết, chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc để Sơn La đạt được kỳ vọng: phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Minh Khánh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/kich-ban-tang-truong-2021-dau-an-va-trien-vong-37235