Kịch bản tồi tệ nhất trong xung đột Nga-Ukraine
Kịch bản nguy hiểm nhất cho tương lai châu Âu và trật tự toàn cầu là cuộc chiến ở Ukraine biến thành cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga.
6 ngày biến động hơn cả 2 thập kỷ
Hà Lan đang cung cấp cho Ukraine các bệ phóng tên lửa. Estonia hỗ trợ những tên lửa chống tăng Javelin. Ba Lan và Latvia hỗ trợ các tên lửa đất đối không Stinger. Cộng hòa Séc cung cấp súng máy, súng bắn tỉa, súng ngắn và đạn dược. Thậm chí những quốc gia trung lập như Thụy Điển và Phần Lan cũng đang cung cấp vũ khí cho Ukraine. Và Đức, vốn từ lâu "dị ứng" với việc gửi vũ khí đến các khu vực xung đột, cũng đang hỗ trợ tên lửa Stinger và tên lửa vác vai cho Ukraine.
Tổng cộng, khoảng 20 nước, hầu hết là thành viên của NATO và EU, nhưng không phải tất cả, đang cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Cùng thời điểm, NATO cũng đang huy động trang thiết bị quân sự và khoảng 22.000 binh lính tới các nước thành viên có biên giới giáp với Nga và Belarus để tăng cường khả năng phòng thủ.
"An ninh và quốc phòng châu Âu trong 6 ngày qua còn biến động hơn cả 2 thập kỷ trở lại đây", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhận định trong một bài phát biểu ngày 1/3.
Các quốc gia ở châu Âu đang thảo luận về việc làm cách nào để tăng cường phòng thủ từ Baltic tới Biển Đen giữa bối cảnh căng thẳng với Nga leo thang ở mức chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh. Một số quan chức cho rằng hiện chưa có mối đe dọa cụ thể nào với NATO nhưng họ lo ngại về những tính toán tiếp theo của Tổng thống Putin.
3 nước vùng Baltic là Litva, Estonia và Latvia đặc biệt lo ngại về những hành động của Nga. Các nước này luôn cho rằng Nga là mối đe dọa với an ninh châu Âu và cuộc chiến ở Ukraine càng khiến họ củng cố nhận định này.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã kêu gọi NATO nâng cấp khẩn cấp hệ thống phòng thủ. Nước này sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 2,3% GDP vào năm tới trong khi Latvia và Litva tăng lên khoảng 2,5% GDP trong những năm tiếp theo.
Sự dịch chuyển lớn nhất chính là nước Đức. Trong nhiều năm, Berlin vẫn ở dưới mức mục tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng của NATO. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch ở Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz đã thông báo một khoản ngân sách mới trong năm nay là 100 tỷ euro (110 tỷ USD) để hiện đại hóa quân đội Đức và tăng ngân sách quốc phòng nhằm đáp ứng mục tiêu của NATO.
Ông Scholz cho rằng những hành động của Nga đã thúc đẩy "một kỷ nguyên mới" ở châu Âu. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thì gọi điều đó đồng nghĩa với "bình thường mới" trong quan hệ với điện Kremlin.
"Điều này sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến an ninh của chúng tôi, đến cách chúng tôi phản ứng và cách NATO phản ứng, cũng như quan hệ với Nga", ông Stoltenberg cho hay.
NATO tăng cường phòng thủ và hỗ trợ Ukraine
Trong khi NATO chưa triển khai quân đội tới Ukraine - một động thái có thể dẫn đến cuộc xung đột trực tiếp với Nga - thì các nước thành viên đang tăng cường cung cấp cả tiền và vũ khí để hỗ trợ Kiev. Việc liên minh này tăng cường thêm binh lính ở sườn Đông dường như để gửi thông điệp tới Tổng thống Putin rằng: Đừng di chuyển lực lượng xa hơn Ukraine để vào châu Âu, nếu không thì Nga đang liều lĩnh gây chiến trực tiếp với NATO.
Số lượng vũ khí của phương Tây đưa vào Ukraine tương đối lớn mặc dù con số này không được tiết lộ trong những ngày gần đây. Nếu triển khai chúng, điều đó có thể tạo ra tác động nhất định.
Theo NATO, Bỉ, Canada, Cộng hòa Séc, Estonia, Pháp, Đức, Hy Lạp Latvia Litva, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Anh và Mỹ đã cung cấp hoặc đang thông qua số lượng đáng kể thiết bị quân sự cho Ukraine cùng hàng triệu USD trong khi các nước thành viên khác cung cấp hỗ trợ nhân đạo và đón nhận những người tị nạn.
Ngày 25/2, một ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nhà Trắng thông qua gói hỗ trợ quân sự trị giá 350 triệu USD, trong đó có các tên lửa Javelin và tên lửa Stinger. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine hàng chục nghìn quả pháo và đạn dược, cùng với các tên lửa phòng không, súng cối hạng nhẹ, máy bay trinh sát và các vũ khí khác.
Thụy Điển, vốn không phải một thành viên NATO, thông báo sẽ cung cấp các vũ khí chống tăng, trang thiết bị và 52 triệu USD cho quân đội Ukraine. Phần Lan đã hỗ trợ Ukrane súng trường tấn công, đạn dược, vũ khí chống tăng và lương khô.
NATO cũng tăng cường phòng thủ tại các nước thành viên ở sườn Đông nhằm đảm bảo Nga sẽ không thử thách cam kết phòng thủ tập thể của liên minh này.
Riêng Mỹ đã điều động thêm 15.000 binh lính tới châu Âu với 5.000 quân ở Ba Lan, 1.000 quân ở Romania và 1.000 quân ở các nước vùng Baltic, đồng thời cam kết triển khai thêm 12.000 quân nếu cần thiết cho Lực lượng Phản ứng của NATO. Washington cũng triển khai thêm nhiều chiến đấu cơ và trực thăng tấn công tới Romania, Ba Lan và các nước vùng Baltic.
Ngoài ra, cùng với Mỹ, hàng loạt các quốc gia như Pháp, Đức, Anh, Canada, Italy hay Đan Mạch đều đang cử quân đội, trang thiết bị và phương tiện quân sự tới những nước như Ba Lan, Litva, Romania để hỗ trợ thực hiện các chiến dịch của NATO.
Điều đó đã cho thấy NATO đang cân nhắc đến mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến ở Ukraine và nguy cơ nó lan thành một cuộc chiến trên chính lãnh thổ của liên minh này.
Liệu chiến tranh giữa Nga và NATO có bùng nổ?
Liệu vũ khí châu Âu liên tục chuyển tới chiến trường Ukraine có thể tạo nên sự khác biệt nào hay không? Hay việc làm đó có thể kéo châu Âu vào một cuộc chiến lớn hơn và có nguy cơ đối mặt với những biện pháp đáp trả từ Nga?
Tổng thống Putin coi NATO như một mối đe dọa với nước Nga khi liên minh này ủng hộ Ukraine. Điều này đã được ông nhiều lần nhắc lại trong những bài phát biểu của mình và thậm chí, nhà lãnh đạo Nga đã ra lệnh cho lực lượng răn đe hạt nhân cảnh giác cao để cảnh báo châu Âu và Mỹ về những rủi ro khi can thiệp vào cuộc chiến này.
Chiến tranh thế giới đã bắt đầu từ những cuộc xung đột nhỏ và tình trạng bên bờ vực chiến tranh của các đồng minh NATO có thể kéo theo các bên khác tham chiến theo những cách không ngờ tới.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhắc lại chủ đề này ngày 1/3 khi ông thăm một căn cứ không quân ở Ba Lan.
"Cuộc chiến của Nga ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và các đồng minh NATO sẽ luôn sát cánh cùng nhau để phòng vệ và bảo vệ nhau. Cam kết của chúng ta với Điều 5 của NATO, nguyên tắc phòng thủ tập thể, là vững như bàn thạch".
Trước đó, hồi tuần trước, ông Stoltenberg đã nhận định rằng: "Không được có chỗ cho sự hiểu lầm hay tính toán sai. Chúng ta sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ từng tấc đất của lãnh thổ NATO".
Kịch bản nguy hiểm nhất cho tương lai châu Âu và trật tự toàn cầu là cuộc chiến ở Ukraine biến thành cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga.
NATO có thể quyết định leo thang mức độ can thiệp vào Ukraine bằng cách thực hiện vùng cấm bay hoặc một hình thức can thiệp trực tiếp khác. Hiện nay, Mỹ và NATO đều từ chối thực hiện vùng cấm bay nhưng tính toán này có thể thay đổi nếu Nga tăng cường các chiến dịch không kích. Khi đó Nga sẽ buộc phải lựa chọn giữa lùi bước hay giao tranh trực tiếp với quân đội NATO. Nếu lựa chọn vế thứ hai, rủi ro của một cuộc chiến tranh giữa Nga và NATO sẽ leo thang đáng kể.
Một khả năng nữa là Nga có thể vô tình tấn công vào lãnh thổ một nước thành viên của NATO, dẫn đến các biện pháp đáp trả của liên minh này. Hiện nay, Nga có những mục tiêu tấn công rất gần với biên giới Ba Lan. Ngoài ra, khi kho đạn dẫn đường chính xác bắt đầu giảm hiệu quả, rủi ro của một sự cố dẫn đến tình trạng leo thang không có chủ ý với NATO sẽ gia tăng. Kịch bản này sẽ là khởi đầu của một cuộc xung đột trực tiếp tại các khu vực biên giới của Ukraine.
Chiến tranh, một khi đã bắt đầu thì sẽ hiếm khi đi theo kịch bản nào. Điều thường xảy ra hơn là nó dẫn các bên đến những lối đi không dự tính từ trước và đôi khi là những kết quả làm thay đổi cả thế giới./.