Kịch bản Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan khó thành hiện thực
Gầm rú trên bầu trời, chiếc phi cơ chiến đấu F-16V sau đó hạ cánh và tiếp nhiên liệu ngay trên một tuyến đại lộ ở vùng nông thôn Đài Loan, xung quanh toàn ruộng lúa. Các phi công chiến đấu Đài Loan được huấn luyện hạ cánh trên đại lộ với trường hợp giả định là tất cả các sân bay trên quốc đảo này bị chiếm, hoặc phá hủy trong một cuộc xâm lược. May mắn thay, đó chỉ là một tình huống giả định.
Chỉ có một bên thù địch duy nhất mà các lực lượng vũ trang Đài Loan đang chuẩn bị để chống lại - đó là Lực lượng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Và trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy trở thành siêu cường kinh tế và quân sự trong những năm gần đây, mối đe dọa về một cuộc xâm lược đối với Đài Loan càng gia tăng - giới chuyên gia quân sự nhận định.
Đài Loan đã tự trị kể từ khi tách khỏi Trung Quốc vào thời điểm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu năm 1949, nhưng Bắc Kinh chưa từng từ bỏ hy vọng sẽ tái hợp với phần lãnh thổ mà họ coi như một tỉnh ly khai.
Tại một diễn đàn an ninh khu vực tổ chức trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa từng nói: "Nếu bất cứ ai dám chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu bằng mọi giá vì sự thống nhất đất nước".
Ở các cửa hiệu hàng hóa trên Đại lục Trung Hoa, người ta có thể dễ dàng mua các tấm bưu thiếp và áp phông có in các khẩu hiệu kêu gọi tái chiếm Đài Loan. Nhưng trong suốt 7 thập kỷ qua, Trung Quốc luôn tránh tấn công Đài Loan do các vấn đề về chính trị, trong đó có viễn cảnh Mỹ can thiệp quân sự và con số thương vong nặng nề. Tuy nhiên, theo giới phân tích quân sự, lý do chính là PLA cũng lo sợ về tổn thất về phần mình nếu như thực hiện một cuộc tấn công tổng lực.
Việc triển khai hàng trăm nghìn binh sỹ di chuyển dọc eo biển Đài Loan nhỏ hẹp đến một số ít bờ biển, trong khi gặp phải sự phản kháng mãnh liệt, là một viễn cảnh đáng sợ đối vưới PLA. Binh sỹ của họ sẽ phải di chuyển dọc vùng lãnh thổ đầy bùn lầy và núi non hiểm trở để đến được thủ đô Đài Bắc.
Không chỉ vậy, Trung Quốc sẽ phải đối diện với địch thủ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc chiến suốt 70 năm qua.
Trong một cuộc tập trận với nội dung chống xâm lược tổ chức hồi tháng 5 vừa qua, phát ngôn viên quân đội Đài Loan, Thiếu tướng Chen Chung-Chi, cho hay họ hiểu rằng phải luôn luôn trong trạng thái "sẵn sàng chiến đấu".
"Đương nhiên chúng tôi không muốn xảy ra chiến tranh, nhưng chúng tôi chỉ có thể tự vệ bằng cách tăng cường sức mạnh của bản thân" - ông Chen nói - "Nếu Trung Quốc đưa ra hành động chống lại chúng tôi, họ sẽ phải cân nhắc về cái giá đắt phải trả".
Một bức tranh cổ động cũ của Trung Quốc cùng dòng chữ "Chúng ta cần giải phóng Đài Loan" (Ảnh: CNN)
Khó khăn và đẫm máu
Ai cũng có thể nhận thấy rằng một cuộc tấn công do Bắc Kinh thực hiện nhắm vào Đài Loan sẽ diễn ra trong chớp nhoáng và mang tới sự hủy diệt cho Đài Bắc: Đó là một cuộc chiến giữa Gã khổng lồ và chàng tí hon, giữa một hòn đảo nhỏ bé và Đại lục rộng lớn, khoảng cách về dân số và tiềm lực kinh tế quá lớn.
Với gần 1,4 tỷ dân, Trung Quốc hiện là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới. Đài Loan chỉ có hơn 24 triệu dân - tương đương Australia. Trung Quốc là nước có diện tích lớn thứ 5 trên thế giới, trong khi Đài Loan chỉ có diện tích ngang Đan Mạch hoặc bang Maryland của Mỹ. Bắc Kinh vận hành một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, trong khi Đài Loan xếp hạng 20.
Nhưng quan trọng hơn cả, Trung Quốc đang ra sức xây dựng và hiện đại hóa lực lượng vũ trang với tốc độ chưa từng thấy, trong khi Đài Loan chỉ dựa vào các đơn hàng mua vũ khí của Mỹ.
Tổng quan quân lực của Trung Quốc và Đài Loan (Ảnh: CNN)
Nói cách khác, xét về quy mô, PLA dễ dàng đè bẹp quân đội Đài Loan.
PLA hiện có khoảng 1 triệu binh sỹ, gần 6.000 xe tăng, 1.500 tiêm kích và 33 khu trục hạm - theo báo cáo mới nhất mà Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra. Lực lượng bộ binh của Đài Loan chỉ khoảng 150.000 và được hỗ trợ bởi 800 xe tăng, 350 tiêm kích và chỉ 4 chiến hạm.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, PLA đã ra sức hiện đại hóa lực lượng, nhờ vào nguồn ngân sách dành cho quốc phòng khổng lồ và nạn tham nhũng trong một số tầng lớp lãnh đạo quân đội bị dập tắt.
"Giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng, việc tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội sẽ dập tắt các phong trào độc lập của Đài Loan, hoặc sẽ cho phép họ có thêm nhiều lựa chọn quân sự nhằm vào Đài Loan, đối diện với khả năng có một bên thứ ba can thiệp" - Theo báo cáo năm 2019 về quân đội Trung Quốc mà Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ công bố.
Dù nhiều người có tư tưởng diều hâu ở Trung Quốc vẫn thường cổ xúy cho một cuộc xâm lược Đài Loan trên các hãng truyền thông, nhưng một nghiên cứu quân sự ở Trung Quốc công bố mới đây - được CNN dẫn lại - cho thấy PLA coi một cuộc xâm lược vào Đài Loan là cực kỳ khó khăn.
"Đài Loan sở hữu lực lượng quân sự chuyên nghiệp, với nhiều chuyên gia được Mỹ huấn luyện" - Ian Easton, tác giả của cuốn "Mối đe dọa xâm lược của Trung Quốc" và là chuyên gia phân tích thuộc Viện Dự án 2019, nhận định.
Xe tăng CM-11 do Mỹ sản xuất cùng nhiều pháo tự hành trong một cuộc tập trận ở miền Nam Đài Loan hôm 30/5 (Ảnh: CNN)
Kế hoạch tấn công Đài Loan
Kế hoạch tấn công Đài Loan của Trung Quốc - được biết tới dưới cái tên "Chiến dịch Tấn công đảo Phối hợp" - sẽ bắt đầu bằng một đợt thả bom dày đặc nhằm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Đài Loan - cảng biển và sân bay - nhằm làm suy yếu quân đội nước này trước khi thực hiện một cuộc đổ bộ lưỡng cư - theo ông Easton và Sidharth Kaushal, chuyên gia phân tích thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh .
Cùng lúc, lực lượng không quân Trung Quốc sẽ bay lòng vòng trên eo biển Đài Loan để cố thống trị không phận hòn đảo này. Một khi PLA cảm thấy đã vô hiệu hóa được lực lượng không quân và hải quân Đài Loan - theo ông Kaushal - họ sẽ triển khai bộ binh ở vùng bờ biển phía Tây của hòn đảo này.
Địa hình núi non ở bờ biển phía Đông Đài Lan được xem là quá hiểm trở và lại cách xa Đại lục Trung Quốc. Cuộc đổ bộ lưỡng cư bởi vậy sẽ là thách thức lớn nhất đối với PLA.
Trong bản báo cáo trình Quốc hội năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng Trung Quốc - nước sở hữu một trong những hạm đội hải quân lớn nhất châu Á - sở hữu 37 tàu vận chuyển lưỡng cư và 22 tàu đổ bộ cỡ nhỏ, cùng nhiều tàu dân sự mà Bắc Kinh có khả năng tận dụng. Chỉ riêng số này đã là quá đủ để đánh chiếm các đảo nhỏ, như các đảo trên Biển Đông, nhưng đổ bổ trên Đài Loan lại cần một lực lượng lớn hơn vậy. Trong khi "không có tín hiệu nào cho thấy Trung Quốc đang tăng cường lực lượng tàu đổ bộ" - báo cáo trên cho hay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quan sát một lễ diễu binh hải quân hồi tháng 4 vừa qua (Ảnh: CNN)
Điều này buộc PLA phải vô hiệu hóa hải quân và không quân Đài Loan ngay trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công - ông Kaushal nhận định.
"Lực lượng không quân Đài Loan sẽ phải đánh chìm khoảng 40% lực lượng đổ bộ lưỡng cư của PLA mới có thể dập tắt đợt tấn công này" - ông Kaushal nói - "Tức vào khoảng 10-15 tàu".
Và ngay cả khi vượt qua được eo biển Đài Loan, PLA vẫn cần phải tìm một điểm đổ bộ cho các tàu của họ. Họ sẽ phải tìm một điểm đổ bộ sao cho vừa gần Đại lục, lại có vị trí chiến lược, như thủ đô Đài Bắc, và vừa gần cảng biển và sân bay. Theo ông Easton, ở Đài Loan chỉ có 14 bờ biển đủ tiêu chuẩn như vậy, và không chỉ PLA mới hiểu điều này. Các kỹ sư Đài Loan đã bỏ ra nhiều thập kỷ xây dựng hệ thống đường hầm và boongke dọc các điểm đổ bộ trên đường bờ biển của họ.
Trực thăng chiến đấu Apache do Mỹ sản xuất tham gia cuộc tập trận "Han Kuang" ở Đài Loan hôm 30/5 (Ảnh: CNN)
Thêm vào đó, "xương sống" của lực lượng phòng thủ Đài Loan chính là một hạm đội gồm nhiều chiếm hạm có khả năng phóng tên lửa hành trình chống hạm, một loạt dàn phóng tên lửa mặt đất, chưa kể mìn, dàn pháo kích đặt dọc đường bờ biển.
"Chiến lược phòng thủ quốc gia tổng thể của Đài Loan, trong đó bao gồm các kế hoạch chiến tranh, đặc biệt nhằm mục tiêu triệt hạ một cuộc xâm lược của PLA" - ông Easton nhận định.
Quân đội Trung Quốc cũng có thể thả lính dù, nhưng điều này khó xảy ra do PLA thiếu lực lượng lính dù.
Nếu PLA chiếm được một cứ điểm ở Đài Loan và từ đó triển khai thêm bộ binh để đối mặt với 150.000 binh sỹ Đài Loan, họ sẽ phải băng qua vùng bùn lầy và núi non hiểm trở phía Tây hòn đảo này, trong khi chỉ có vài tuyến đường nhỏ hẹp để hành quân tới thủ đô Đài Bắc.
Cuối cùng, việc di chuyển các tàu đổ bộ lưỡng cư, dàn phóng tên lửa đạn đạo, chiến đấu cơ và máy bay ném bom, cùng hàng trăm nghìn binh sỹ... sẽ giúp Đài Loan dễ dàng nhận thấy trước và chuẩn bị trước mọi đòn tấn công - theo ông Kaushal.
"Kẻ xấu trong khu vực"
Và đương nhiên, Đài Loan có thứ vũ khí cuối cùng để chống lại một cuộc xâm lược như vậy. hiện chưa rõ liệu một cuộc tấn công như vậy của Trung Quốc có khiến Mỹ can thiệp nếu Đài Loan yêu cầu hay không. Washington là một đồng minh lâu năm với Đài Loan, thường xuyên bán vũ khí và cung cấp sự bảo vệ về mặt quân sự cho quốc đảo này.
Theo ông Easton, ở thời điểm hiện tại, Mỹ có thể sẽ can thiệp nếu được Đài Loan yêu cầu, vừa để bảo vệ các khoản đầu tư mà công ty Mỹ đã đổ vào hòn đảo này, vừa để đảm bảo cho các đồng minh khác của họ trong khu vực - các nước cũng phải đối mặt với sự trỗi dậy mạnh mẽ của PLA.
Ông Collin Koh Swee Lean - chuyên gia phân tích thuộc Chương trình An ninh Hàng hải, Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratham (Singapore) - nhận định rằng sẽ có "hậu quả chính trị ghê gớm" nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan, kể cả trong trường hợp họ thành công.
"Điều đó chắc chắn khiến Trung Quốc bị xem là kẻ xấu trong khu vực, bên sử dụng vũ lực" - ông Lean nói - "Điều đó khiến nhiều đối tác trong khu vực dần xa lánh họ, và thiện cảm mà Trung Quốc cố gắng tạo dựng suốt nhiều năm qua sẽ biến mất. Thêm vào đó, nó sẽ đẩy Trung Quốc vào chỗ xung đột với Mỹ".