Kích cầu du lịch bằng đặc sản địa phương

Nếu không có Chương trình quảng bá Du lịch Bến Tre-Trà Vinh hẳn nhiều người Hà Nội chưa có dịp về thăm những địa phương này thì không biết những thành phần từ cây dừa, dưới bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người dân Bến Tre đã cho ra những sản phẩm đẹp tinh tế và hữu dụng đến thế.

Quả dừa có nắp bật như lon nước giải khát, ghi rõ hạn sử dụng; chiếc túi từ xơ dừa xinh xắn, thiết kế khá hiện đại; chiếc đèn ngủ từ gáo dừa chạm khắc tinh tế, cho ánh sáng vừa mắt; những chiếc bát, cốc, chén, thìa, dĩa, con thú, đồ trang trí... từ dừa đẹp đẽ, thân thiện được nhiều người Hà Nội vô cùng thích thú.

Khác với Bến Tre, Trà Vinh lại mời du khách thưởng thức món bánh tét trứ danh. Bỏ lớp vỏ lá bạc màu, bên trong là lớp nếp xanh đậm bao bọc lớp nhân đậu xanh vàng cùng thịt mỡ, tôm khô và trứng muối bắt mắt. Bánh tét có ở nhiều vùng, miền trong cả nước, nhưng đặc trưng của bánh tét Trà Vinh lại hấp dẫn nhiều du khách hơn cả. Lớp nếp dẻo thơm quyện cùng vị béo vừa của đậu xanh chín mềm, chút vị mặn bùi của thịt mỡ, trứng muối, tôm khô... tạo nên nét riêng có của bánh tét nơi đây.

 Giới thiệu đặc sản Cao Bằng với du khách Thủ đô.

Giới thiệu đặc sản Cao Bằng với du khách Thủ đô.

Nếu du khách Hà Nội thích thú với những sản vật của hai tỉnh phía Nam vì sự mới lạ, ít được thưởng thức thì nem chua Thanh Hóa lại là thứ đặc sản “ăn không biết chán” với nhiều người. Trong hội nghị giới thiệu du lịch Thanh Hóa-điểm đến an toàn, hấp dẫn được tổ chức tại Hà Nội, dù không xa nhưng nhiều người mới chợt nhận ra mảnh đất địa linh này còn rất nhiều điều mới lạ. Chia sẻ thêm về những món ẩm thực đặc trưng xứ Thanh, bà Nguyễn Hồng Liên, Giám đốc Công ty Cổ phần Dạ Lan cho biết: Ngoài nem chua, nhiều du khách đến Thanh Hóa còn thích thú với nộm rau má, nhiều loại bánh... Nhiều du khách đến các khu du lịch cộng đồng, sinh thái khi thấy bà con cắm hoa chuối cũng rất thích thú. Những món quà quê, những đặc sản địa phương luôn hấp dẫn du khách.

Khẳng định rằng bằng việc sử dụng và xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương sẽ góp phần thu hút du khách, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre cho biết: “Bến Tre mang đến cho du khách Hà Nội hoàn toàn khác biệt khi khai thác các sản phẩm du lịch trên nền tảng văn hóa xứ dừa, khai thác các giá trị của dừa, ngủ trong nhà làm bằng dừa,... cùng với nền văn hóa, bản sắc địa phương đậm đà miền Tây Nam Bộ. Chúng tôi liên kết với Trà Vinh và các địa phương khác để tạo ra những tuyến du lịch dài ngày, giữ chân du khách ở lại lâu hơn, thay vì các sản phẩm chỉ 1-2 đêm như trước đây. Chúng tôi không ngại tình trạng na ná nhau của các sản phẩm du lịch miền Tây. Chẳng hạn, Bến Tre còn có thế mạnh là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng, nổi bật là các điểm đến Cồn Phụng, Cồn Quy, Cồn Phú Đa, vườn trái cây Cái Mơn-Chợ Lách, sân chim Vàm Hồ... Còn Trà Vinh có thế mạnh là du lịch cộng đồng, đặc trưng là du lịch văn hóa với các điểm đến nổi tiếng Chùa Hang, ao Bà Om, khu du lịch sinh thái rừng đước, cù lao Tân Quy,...”.

Bằng cách mang đặc sản đến các tỉnh, thành phố có thị trường khách lớn để tiếp cận khách hàng, đây là cách hay nhiều địa phương áp dụng thành công để đến trực tiếp với du khách, giới thiệu những cái hay, cái đẹp của du lịch các địa phương.

Bài và ảnh: QUÝ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/kich-cau-du-lich-bang-dac-san-dia-phuong-645926