Kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu

Bắt đầu vào quý IV-2024, các doanh nghiệp (DN) đều chạy đua sản xuất, kinh doanh để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch của năm. Đây cũng là mùa sản xuất cuối năm, được các DN kỳ vọng có thể tăng thị phần trong nước, xuất khẩu để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu hiện có nhiều biến động, rất khó dự báo khiến các DN vẫn phải đối mặt với những khó khăn. Do đó, có những DN trước đây chỉ chú trọng xuất khẩu, nay cũng bắt đầu quan tâm đến thị trường nội địa.

Theo đại diện các hiệp hội ngành hàng, xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng cuối năm sẽ đan xen giữa cơ hội và thách thức. Cơ hội là khủng hoảng chính trị tại mội số nước trên thế giới nên nhiều đơn hàng dệt may, giày dép, điện tử, cơ khí chế tạo… được luân chuyển về Việt Nam. Bởi vì, Việt Nam có chính trị ổn định, các chính sách thay đổi theo chiều hướng tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Đặc biệt là Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Trong đó có 3 hiệp định lớn đã ký kết và có hiệu lực là: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Bên cạnh đó, những rủi ro DN có thể phải đối mặt trong những tháng cuối năm là cuộc chiến thương mại tiếp diễn, bất ổn chính trị tại một số nước có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa tăng. Đồng thời, nhiều nước đặt thêm hàng rào kỹ thuật cho hàng hóa nhập khẩu. Vì thế, các DN buộc phải linh hoạt, nắm bắt kịp thời những biến động, thay đổi của thị trường thế giới để có giải pháp ứng phó kịp thời. Có như vậy mới đảm bảo sản xuất, xuất khẩu.

Với thị trường trong nước, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn nhiều dư địa để DN mở rộng thị phần. Cụ thể, nhiều sản phẩm đầu vào cho sản xuất DN Việt Nam đưa đi xuất khẩu, nhưng có những DN khác lại phải nhập khẩu để sản xuất. Do đó, các DN rất mong các hiệp hội, tỉnh, thành, Bộ Công thương tổ chức xúc tiến thương mại tại chỗ và các nước nhiều hơn nữa để tạo thêm cơ hội liên kết cung ứng sản phẩm cho nhau.

Đồng Nai là một trong những trung tâm sản xuất, xuất khẩu lớn của Việt Nam nên nhu cầu xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài rất lớn. Kế hoạch năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sẽ tăng khoảng 8% nhưng qua 9 tháng của năm, kim ngạch xuất khẩu tăng đến 11,46%. Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước thì tỉnh vẫn thấp hơn. Vì vậy, kết nối để mở rộng giao thương được xem là giải pháp giúp DN mở rộng sản xuất, kinh doanh và tăng doanh thu.

Uyển Nhi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/kich-cau-tieu-dung-noi-dia-va-xuat-khau-237054e/