Kích cầu vay tiêu dùng không chỉ có ngân hàng…
Trong bối cảnh nhu cầu vay sản xuất kinh doanh bị sụt giảm hiện nay, nên dù dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong tổng dư nợ cho vay, khách hàng cá nhân đã trở thành mục tiêu ưu tiên của nhiều NHTM nhằm cải thiện chỉ tiêu dư nợ cho vay tiêu dùng.
Trông chờ khách vay cá nhân
Để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, tiêu dùng trong nước là một trong những trụ cột quan trọng, cùng với thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công. Theo số liệu của NHNN, dư nợ vay tiêu dùng chiếm khoảng 6% tổng dư nợ cho vay vào cuối năm 2019. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng trung bình những năm gần đây vào khoảng 20%/năm, dần trở thành kênh cho vay thiết yếu của nhiều NH.
Tuy có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, một số doanh nghiệp lại được hưởng lợi, như trong lĩnh vực y tế - dược phẩm, công nghệ, thương mại điện tử, giao nhận hàng hóa. Tác động của Covid-19 phần lớn đến với người lao động có thu nhập thấp, việc làm không ổn định. Trong khi đó, nhóm lao động có công việc ổn định, thu nhập trên trung bình ít bị ảnh hưởng hơn và nhu cầu chi tiêu cho nhà cửa, phương tiện đi lại luôn ở mức cao.
Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp giảm vô hình chung tạo nguồn cung vốn dồi dào cho vay tiêu dùng, là điều đang diễn ra hiện nay. Theo đó, các NH ứ tiền và trông chờ các hồ sơ vay từ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, làm thế nào để tăng quy mô vay tiêu dùng trong khi vẫn đảm bảo chất lượng các khoản vay, giảm thiểu khả năng rơi vào nợ xấu?
Đối với các NH, việc cần làm trước hết có lẽ là tăng nguồn lực cho việc xét duyệt các hồ sơ vay cá nhân. Gần đây ở châu Âu, đặc biệt là Pháp, các hồ sơ vay mua nhà kể từ khi Covid-19 bùng phát bị xem xét kỹ hơn, thời gian phê duyệt hồ sơ kéo dài hơn thường lệ, dù điều kiện vay hay lãi suất có chiều hướng thuận lợi hơn cho người vay. Có lẽ các NH chuyển một số khâu xét tự động sang thủ công, xem xét cụ thể từng hồ sơ, thay vì chỉ cần nằm trong khung là có thể được đồng ý chuyển sang bước tiếp theo. Thí dụ, người đi vay có mức thu nhập trong khung quy định, thông thường sẽ nhanh chóng được chuyển đến cấp phê duyệt cuối cùng. Nhưng gần đây việc này được rà soát kỹ, như người đó làm trong lĩnh vực gì, thậm chí doanh nghiệp nào.
Bên cạnh các khoản vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo như mua nhà, ô tô, sửa chữa lớn nhà cửa, các khoản vay tín chấp cũng cần điều chỉnh lại một phần quy trình phê duyệt để đảm bảo nhanh gọn, nhưng cũng đồng thời có bộ lọc kỹ hơn. Chẳng hạn, một số tiêu chí cần được cụ thể hơn, thêm chi tiết đến cấp độ 2 hay 3 như thu nhập, nghề nghiệp, độ tuổi, gia đình. Các nhu cầu vay tiền để chữa bệnh, học hành, sửa chữa nhỏ nhà cửa, chi tiêu qua thẻ tín dụng... dù số tiền không lớn nhưng với số đông người vay cũng là nguồn nhu cầu vay đáng kể trong ngắn hạn.
Cần chính phủ hỗ trợ, NH chia sẻ
Để khuyến khích vay tiêu dùng, trong xu hướng giảm lãi suất chung, các NH cũng cần tiết giảm các chi phí kinh doanh nhiều nhất có thể, để từ đó giảm chi phí lãi vay cho người tiêu dùng. Các điều khoản vay linh động hơn như gia hạn nợ, đảo nợ, thay đổi thời hạn vay cũng là những yếu tố thu hút người vay trong thời điểm này. Nhiều NH đã cân nhắc việc giảm hoặc không chia cổ tức, thưởng để chia sẻ cùng khách hàng.
Nhưng quan trọng không kém trong việc khuyến khích vay tiêu dùng là giá cả của tài sản người tiêu dùng muốn mua sắm. Hai loại tài sản có giá trị phổ biến trong vay tiêu dùng là nhà ở và ô tô. Để kích cầu 2 thị trường này, thông thường các chính phủ sẽ có chương trình hỗ trợ các loại thuế, phí có liên quan, hoặc thậm chí trợ giá.
Như ở Pháp gần đây, chính phủ có chương trình đổi ô tô cũ khi mua xe mới. Theo đó chính phủ tặng tiền mặt lên đến 3.000EUR nếu là xe chạy nguyên liệu đốt như xăng, dầu, hoặc 5.000EUR nếu là xe điện. Thêm vào đó, các hãng xe và đại lý còn có thêm chính sách giảm giá, nên mua 1 ô tô mới có thể tiết kiệm được khoảng 10.000EUR so với trước đây. Việc giảm giá trực tiếp hay gián tiếp thông qua thuế, phí đối với nhà xây dựng mới thân thiện với môi trường như giảm thuế VAT, khấu trừ thu nhập chịu thuế khi mua nhà mới xây, miễn giảm phí trước bạ, cũng là những giải pháp hỗ trợ người mua nhà và thị trường bất động sản.
Trong tình hình tăng trưởng tín dụng khó khăn như hiện nay, chắc rằng mục tiêu 14% NHNN đặt ra cho năm 2020 khó đạt được. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân là hướng đi đúng nhưng cũng không thể kỳ vọng nhiều, vì tỷ trọng của kênh này quá khiêm tốn trong tổng dư nợ cho vay. Việc cẩn trọng với nợ xấu khi mở rộng cho vay tiêu dùng rất đáng quan tâm. Tuy nhiên nếu có sự phối hợp tốt giữa NH, chính phủ, và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm (thị trường ô tô và nhà ở), thị phần cho vay tiêu dùng sẽ giữ được xu hướng tăng, cũng như tăng dần tỷ trọng của mình, trở thành lực cầu tín dụng quan trọng của nền kinh tế.
Dư nợ cho vay tiêu dùng vẫn có cơ hội phát triển, nhưng một sớm một chiều cần phải vượt qua được các khe cửa hẹp từ phía các NHTM, chính phủ và ngành ô tô cũng như bất động sản.