Kích điện bắt giun đất: Mối lo mới của môi trường

Dùng máy kích điện để bắt giun trở thành chủ đề nóng trong thời gian. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến tính mạng con người mà còn tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường.

Suy giảm chất lượng đất

Tình trạng kích điện bắt giun xảy ra phổ biến ở các tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang. Giá thu mua giun dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg nên một số người dân vì lợi ích mà bất chấp kích giun trộm. Địa điểm là các vườn cây cam, có đất tơi xốp vì thế mà nhiều tháng qua chủ vườn tại huyện Cao Phong, huyện Hòa Bình đã mất ăn mất ngủ để trông vườn cam trước các “giục tặc”. Nỗi lo này là có căn cứ vì giun đất được xem như “trợ thủ” trong việc làm tơi xốp đất, giúp thoát nước, giữ ẩm và tăng dinh dưỡng cho cây.

Giun ăn những mảnh vụn hữu cơ mục nát như cỏ khô, lá khô,... nên phân có hàm lượng dinh dưỡng lớn. Phân giun còn cung cấp kali, muối và mùn cho cây cối. Lượng giun nhiều đồng nghĩa với việc “người vận chuyển” dinh dưỡng từ đất và cây sẽ ngày một nhiều. Cây trồng nhanh phát triển và cho sản lượng cao. Nếu đột ngột biến mất sẽ làm giảm sản lượng cây trồng.

 Lượng giun lớn sau mỗi lần kích điện. Ảnh: QT.

Lượng giun lớn sau mỗi lần kích điện. Ảnh: QT.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng Trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc dùng luồng điện lớn để bắt giun vừa gây hại cho đất vừa gây hại cho hệ động thực vật và vi sinh, từ đó cây dễ bị úa vàng, giảm năng suất cuối vụ. Vì thế đây là hành động đáng bị lên án và cần có chế tài xử phạt, ông Cường nói thêm.

Nhiều hiểm nguy với môi trường

Kích điện giun đất làm giảm độ màu mỡ của đất canh tác, gây ảnh hưởng đến khả năng đến cây trồng và gây suy thoái môi trường. Vì để bắt giun ta cần phải dùng đến nguồn điện cao, nên không chỉ giun mà nhiều loại sinh vật khác trong đất và thảm thực vật xung quanh biến mất.

Khi kích điện ngoài giun trưởng thành còn có cả trứng cũng bị diệt sạch. Từ đó hoạt động phân giải hữu cơ bị ngưng trệ, chất khoáng, mùn dần mất đi dinh dưỡng. Nhìn vào thực tế trung bình một nhóm kích bắt giun có thể thu về 100 - 120kg giun mỗi đêm. Nếu tình trạng cứ tiếp diễn, đất sẽ trở nên cằn cỗi, bạc màu, khó canh tác và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của nhân dân.

Giun cũng là mắt xích của hệ sinh thái, là thước đo độ phì nhiêu của đất. Kích điện để bắt giun đồng nghĩa với việc chặt đứt mắt xích của hệ sinh thái. Điều này tác động nghiêm trọng đến chất lượng đất sản xuất nông nghiệp cũng như môi trường, GS Đỗ Kim Chung, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định.

 Kích điện giun tạo ra “thu nhập khủng” cho người dân. Ảnh: QT

Kích điện giun tạo ra “thu nhập khủng” cho người dân. Ảnh: QT

Bên cạnh đó, trong quá trình kích điện những con giun nhỏ và sinh vật khác sẽ bị vứt lại. Hành động này gây ra ô nhiễm môi trường, gián đoạn quá trình cải tạo đất tự nhiên, đó là chưa kể những rủi ro trong quá trình kích điện khi sử dụng điện áp công suất cao. Mới đây Công an huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã có đợt kiểm tra các lò sấy giun trên địa bàn, kết quả là lập biên bản 2 cơ sở và thu giữ nhiều máy kích điện. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện nước thải được xả trực tiếp ra dòng suối gần đó, chúng được ngụy trang dưới những lớp lá cây khô.

Người dân xung quanh các xưởng sấy giun này đều phản ánh có mùi hôi thối nồng nặc bốc ra, khi đi qua phải bịt khẩu trang kín mít. Nước thải chảy ra cũng gây ô nhiễm môi trường.

Tại điểm 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.” Điều 28 Nghị định 42 năm 2019 cũng chỉ mới quy định mức phạt đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Cho thấy ta chưa có căn cứ pháp luật cụ thể nào để xét việc kích giun đất là hành vi vi phạm pháp luật.

Các chuyên gia cho rằng, trước hết ta phải cảnh tỉnh người dân về mối nguy hại trước mắt về vấn nạn kích điện để bắt giun. Sau đó ta cũng có một chế tài xử phạt đủ mạnh để nghiêm cấm, chấm dứt tình trạng này. Bên cạnh đó giun đất cũng không phải loại vật quý hiếm, nếu người dân tiến hành nuôi cần phải xây dựng quy trình, phương pháp cụ thể.

Phạm Huyền (Tổng hợp)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/kich-dien-bat-giun-dat-moi-lo-moi-cua-moi-truong-79800.html