Kích hoạt sớm hệ thống phản ứng với biến thể Omicron
Hàn Quốc đã khởi động hệ thống phản ứng mới ứng phó với biến thể Omicron trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 gia tăng mạnh.
Hệ thống này tập trung giảm các ca bệnh nặng và tử vong, đồng thời ngăn chặn tình trạng quá tải của hệ thống y tế. Bắt đầu từ ngày 29/1, hệ thống này sẽ mở rộng ra toàn quốc, theo đó sẽ triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại 256 cơ sở xét nghiệm trên cả nước.
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), làn sóng mới của dịch Covid-19 tại nước này sẽ tiếp tục cho đến ít nhất giữa tháng 2. Nếu biến thể Omicron lây lan mạnh gấp 3 lần biến thể Delta, thì số ca mắc mới được xác nhận theo ngày ở Hàn Quốc sẽ tăng lên cao nhất 36.800 ca vào giữa tháng 2 và lên mức 122.200 ca vào cuối tháng 2.
Theo nghiên cứu quy mô lớn mang tên “React” đang được thực hiện tại Anh với hơn 2 triệu tình nguyện viên tham gia, hơn 60% ca nhiễm Omicron là những người đã từng mắc Covid-19. Bộ Y tế Anh khuyến cáo dù vắc-xin không ngăn được lây lan, nhưng rất hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh trở nặng. Do vậy, Chính phủ Anh kêu gọi người dân tiêm phòng để giảm thiệt hại.
Công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna ngày 27/1 cho biết đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin mũi tăng cường ngừa Covid-19 được bào chế để chống lại biến thể Omicron. Trước đó, hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin phòng Covid-19 đặc hiệu chống biến thể Omicron đối với những người từ 18-55 tuổi nhằm đánh giá mức độ an toàn và phản ứng miễn dịch.
Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, bắt đầu ghi nhận xu hướng giảm số ca nhiễm mới biến thể Omicron, song số ca mắc mới ở những nơi còn lại trên thế giới vẫn tiếp tục tăng. Các ca tử vong vì Covid-19 ở Đông Âu đã vượt 1 triệu người và con số này được dự báo còn tiếp tục tăng lên khi biến thể Omicron trở thành biến thể chủ đạo gây ra các ca mắc mới trong khu vực. Dự báo biến thể Omicron sẽ gây ra áp lực lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia Đông Âu.