Kích hoạt vai trò dẫn dắt của các động lực tăng trưởng
Thủ tướng Chính phủ phân tích, trong 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, thì chỉ có xuất khẩu phụ thuộc nhiều bởi thị trường bên ngoài. Do đó, cùng với tiếp tục tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để khắc phục, chúng ta phải kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy đầu tư công.
Điểm danh các động lực tăng trưởng
Quý I năm nay, tình hình thế giới vẫn diễn biến nhanh, khó lường, khó dự báo. Các định chế tài chính thế giới sụt giảm so với dự báo, do cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, sau đại dịch COVID-19 các nền kinh tế gặp khó khăn. Sức khỏe của các doanh nghiệp suy giảm. Các giao dịch, chuỗi cung ứng đứt gẫy cần có độ trễ để khôi phục. Một số ngân hàng lớn trên thế giới sụp đổ…
Từ đó, nhiều thị trường quan trọng của Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu thu hẹp, khiến xuất khẩu nước ta, một trong ba động lực tăng trưởng gặp khó khăn.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp Phiên thứ 5 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm điểm kết quả Phiên họp lần thứ 4 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thực hiện các công trình, dự án.
Thủ tướng Chính phủ phân tích, trong 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, xuất khẩu phụ thuộc nhiều bởi thị trường bên ngoài. Do đó, cùng với tiếp tục tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để khắc phục, chúng ta phải kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy đầu tư công. Thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư công là 2 trong 3 động lực mà chúng ta chủ động được, không phụ thuộc nhiều từ bên ngoài.
Về tiêu dùng, trong quý 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước… Đây là kết quả trực tiếp từ việc thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa từ đầu năm đến nay.
Phương thức được đánh giá cao là lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã,… trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước.
Bộ Công Thương đặc biệt ưu tiên khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại; đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất-phân phối-tiêu dùng cũng như tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường tại cơ sở phân phối hiện đại.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, mặc dù cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2023 ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD, tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào biến động bên ngoài. Cụ thể, giá năng lượng vẫn biến động do xung đột tại Ukraina và sự phục hồi khá mạnh của nền kinh tế Trung quốc. Thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia suy giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, làm gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp... dẫn tới các hệ lụy khiến tổng cầu thế giới giảm sút; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu… Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Phát huy vai trò dẫn dắt
Trước tình hình đó, để kích hoạt và phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của 2 khu vực tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.
Đối với tiêu dùng, thực hiện có hiệu quả các Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước.
Trong đó nhấn mạnh đến đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động XTTM phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường; cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động XTTM.
Bộ cũng quan tâm đến xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam, đi đối với chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn.
Đặc biệt, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống; xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa.
Đối với xuất khẩu, tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản.. ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.
Đẩy mạnh phát triển các thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La Tinh còn nhiều dư địa khai thác. Thúc đẩy đàm phán các FTA mới như: FTA với các nước khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ La Tinh. Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng thời, đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc, tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm covid. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu và thực hiện hiệu quả đề án xuất khẩu chính ngạch.
Triển khai hiệu quả “Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”; tập trung xây dựng Chiến lược phát triển các thị trường đến năm 2030 để có định hướng tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường theo các hình thức: Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong XTTM; tiếp tục tổ chức giao ban XTTM định kỳ với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin thị trường, tư vấn chính sách, quy định và nhu cầu thị trường cho các nhà XNK của Việt Nam; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển; xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành tiêu dùng, thời trang của EU; các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu...