Kịch tính, hấp dẫn và chiến thắng dành cho người xứng đáng hơn
Vòng tứ kết Euro 2024 kết thúc sau 4 cặp đấu thật sự hấp dẫn, kịch tính, với 3 trong số đó phải kéo dài đến sau thời gian thi đấu hiệp phụ (có 2 trận phải phân định thắng thua trên chấm luân lưu 11m). Bốn cái 4 cái tên còn lại cuối cùng tạo nên 2 cặp đấu bán kết nhiều duyên nợ và hứa hẹn mang lại cho người hâm mộ những màn trình diễn bóng đá ở đẳng cấp cao nhất: Tây Ban Nha đối đầu Pháp và Anh gặp Hà Lan.
Tây Ban Nha thực sự là "khắc tinh" của Đức, Pháp với hành trình vào bán kết kỳ lạ
Trải qua vòng đấu bảng khá thong dong với vị trí đầu bảng A, cùng với trận đầu không quá khó khăn ở vòng 1/8 với đối thủ Đan Mạch, ĐT Đức đã tạo nên một trận đấu kinh điển với Tây Ban Nha ở tứ kết Euro 2024. Với nhiều người hâm mộ trung lập thì trận đấu này diễn ra ở vòng 8 đội thật sự rất đáng tiếc, bởi đây là 2 đội bóng đã có màn trình diễn rất thuyết phục từ đầu giải đến giờ, cũng là 2 đội tuyển đang giữ kỷ lục về số lần vô địch Euro (3 lần). Song lá thăm may rủi đã đưa họ đến với nhau ở cuộc chiến một mất một còn và một lần nữa Tây Ban Nha chứng tỏ họ thực sự là "khắc tinh" của người Đức trong các giải đấu lớn.
Theo thống kê, từ sau trận thắng Tây Ban Nha với tỷ số 2 - 0 tại vòng bảng Euro 1988 (khi đó Tây Đức cũng là chủ nhà) thì trong các lần đụng độ với Tây Ban Nha ở Euro hay World Cup, Đức chưa có thêm một lần được hưởng niềm vui chiến thắng, trong đó có những thất bại rất cay đắng như thua 0 - 1 tại chung kết Euro 2008 hay tại bán kết World Cup 2010 (Tây Ban Nha sau đó đăng quang), không những thế, Đức còn hứng chịu thất bại "lịch sử" với tỷ số của một set tennis trước đối thủ đến từ bán đảo Iberia (0 - 6) trong khuôn khổ Nations League 2020 - 2021. Trước trận tứ kết tại Euro lần này, Đức rất tự tin để phá "dớp" khi họ có lợi thế chủ nhà, phong độ đang thăng hoa, song một lần nữa, người Đức phải ôm hận. Dù có chút tiếc nuối cho Đức, nhưng cũng phải dành nhiều lời ngợi khen cho đội tuyển Tây Ban Nha sau màn thể hiện rất đẳng cấp ở cuộc đối đầu với Đức vừa qua để có lần thứ 2 liên tiếp vào bán kết Euro. Tây Ban Nha cũng là đội duy nhất toàn thắng cho đến nay, họ ghi được số bàn thắng nhiều nhất (11 bàn - bằng với Đức) và con số này có thể còn tăng lên, trong khi chỉ phải nhận 2 bàn thua (1 bàn trong đó là do phản lưới). Tại Euro lần nay, Tây Ban Nha không còn là đội bóng chỉ biết cầm bóng, chuyền qua chuyền lại từ phần sân nhà đến giữa sân rồi không biết làm gì (như ở World Cup 2022), mà họ còn tỏ ra rất thực dụng những cần thiết. Không phải lúc nào họ cũng sở hữu tỷ lệ kiểm soát bóng vượt trội (như trận gặp Croatia, hay ngay ở trận gặp Đức vừa qua), mà các cầu thủ của HLV Luis de la Fuente sẵn sàng lui về đá phòng ngự rồi chờ thời cơ phản công, mà bàn thắng của Mikel Merino vào lưới Manuel Neuer ở phút 119 trong trận tứ kết với Đức là một ví dụ.
Đối với đội tuyển Đức, dù không đạt mục tiêu đặt ra trước khi vào giải, nhưng với những gì đã thể hiện, cổ động viên yêu mến Die Mannchaff có lý do để tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đội bóng này. Nói một cách sòng phẳng, những gì thầy trò HLV Julian Nagelsmann làm được tại Euro 2024 là thành tích tốt nhất của Đức sau những lần thất bại bẽ bàng ở 3 giải đấu lớn gần đây nhất (bị loại từ vòng bảng ở World Cup 2018 và 2022, bị loại ở vòng 1/8 tại Euro 2020).
Đối thủ của Tây Ban Nha ở bán kết là đội tuyển Pháp đầy duyên nợ. Cho đến bây giờ, có lẽ nhiều người vẫn không hiểu làm sao mà một đội bóng trải qua 5 trận đấu, chỉ có 3 bàn thắng mà trong đó được đối thủ "biếu không" 2 bàn, bàn còn lại là quả phạt đền (do Kylian M'Bappe ghi vào lưới Ba Lan ở lượt cuối vòng bảng), lại có thể tiến vào bán kết của Euro? Bóng đá có những điều rất khó lý giải như vậy, và lần này Pháp là đội được định mệnh lựa chọn. Vấn đề lớn nhất của Pháp từ đầu giải đến giờ là khả năng tận dụng cơ hội ghi bàn quá kém, khi chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) của họ là không đến nỗi nào (hơn 7), và qua những gì đã thể hiện, có thể nói Pháp đang phụ thuộc khá lớn vào đội trưởng Kylian M'Bappe, trong lúc đó anh chàng này lại bị chấn thương mũi nên ảnh hưởng lớn đến phong độ, còn lại các cầu thủ trên hàng công đều tỏ ra kém thuyết phục. Có lẽ điểm tựa lớn nhất của HLV Didier Deschamps bây giờ là hàng thủ (họ mới chỉ để lọt lưới 1 bàn, từ chấm penalty) với phông độ rất cao của trung vệ trẻ William Saliba. Việc hàng công của Pháp còn tậm tịt là điều có thể hình dung, nhưng xuyên thủng được hàng phòng ngự của họ cũng là một thử thách thực sự đối với các đối thủ.
Trận bán kết Pháp và Tây Ban Nha là một cuộc đối đấu giữa 2 thái cực, giữa một bên là đội có hàng công mạnh nhất giải (Tây Ban Nha có 11 bàn) với hàng thủ vững chắc nhất (Pháp chỉ mới nhận 1 bàn thua), nhưng người Pháp cũng có quyền hy vọng khi đối thủ của họ mất 3 trụ cột: Pedri (chấn thương), hậu vệ cánh phải Dani Carvalaj và trung vệ Robin le Normand (treo giò). Trong lịch sử các vòng chung kết Euro, Pháp và Tây Ban Nha đã đối đầu nhau 3 lần ở các trận knock-out: lần thứ nhất chính là chung kết Euro 1984 mà đội tuyển Pháp với cánh chim đầu đàn Michel Platini đã thắng 2 - 0 để có danh hiệu quốc tế đầu tiên; lần thứ 2 là tại tứ kết Euro 2000, Pháp lại thắng 2 - 1, trong đó tiền đạo Raul Gonzalez của Tây Ban Nha đã bỏ lỡ cơ hội gỡ hòa khi đá hỏng quá 11m ở phút bù giờ của trận đấu, sau đó Pháp thẳng tiến đến ngôi vô địch lần thứ 2. Lần gần nhất là trận tứ kết Euro 2012, Tây Ban Nha vượt qua Pháp 2 - 0 để rồi họ bảo vệ thành công chức vô địch Euro. Qua đó, có thể thấy là khi nào 2 đội này gặp nhau ở Euro, thì đội nào thắng đều sẽ lên ngôi vô địch, nếu theo "logic" đó, Pháp hoặc Tây Ban Nha sẽ đăng quang ở Euro 2024? Câu trả lời sẽ có sau ngày 14/7.
Anh có lần thứ 2 liên tiếp vào bán kết, Hà Lan khẳng định vị thế ông lớn
Mặc dù chưa có màn trình diễn thật sự thuyết phục và nhận về rất nhiều chỉ trích từ giới chuyên môn và người hâm mộ xứ sở sương mù, nhưng đội tuyển Anh vẫn biết cách vượt qua thử thách để góp mặt ở vòng đấu giành cho 4 đội mạnh nhất với sự tỏa sáng của các ngôi sao trong đội hình. Nếu trong trận đấu với Slovakia ở vòng 1/8, Bellingham trở thành cứu tinh của đội tuyển Anh với cú tung người móc bóng gỡ hòa ở phút bù giờ thứ 4 của hiệp 2, để ngay đầu hiệp phụ thứ nhất, Harry Kane ghi bàn ấn định tỷ số chung cuộc, thì trong trận tứ kết với Thụy Sĩ, tiền đạo cánh của câu lạc bộ Arsenal, Bukayo Saka trở thành người hùng của đội tuyển đảo quốc sương mù khi có cú sút xa rất đẹp mắt, gỡ hòa cho Anh chỉ sau 5 phút bị thủng lưới, để rồi vượt qua đội bóng xứ sở đồng hồ trên chấm luân lưu 11m. Dù còn nhiều vấn đề gây tranh cãi về lối chơi, phong độ của các ngôi sao, sự sắp xếp nhân sự của huấn luyện viên Southgate, nhưng "cứu cánh biện minh cho phương tiện", với việc vào đến bán kết lần thứ 2 liên tiếp, đội tuyển Anh đang đứng trước thời khắc lịch sử để bổ sung vào bộ sưu tập thành tích quốc tế của mình chiếc cup thứ 2.
Đối thủ của đội tuyển Anh là cơn lốc màu da cam - đội tuyển Hà Lan. Trước khi giải đấu diễn ra thì Hà Lan không được đánh giá quá cao do hàng công của đội bóng này còn thiếu những cái tên đẳng cấp, những tiền vệ trụ cột như Frenkie de Jong, Teun Koopmeiner bị chấn thương phải rút lui, nhưng đoàn quân của HLV Ronald Koeman đã nắm bắt rất tốt cơ hội của mình khi lá thăm may mắn đã đưa họ đụng độ với 2 đối thủ không quá mạnh ở vòng 1/8 (Romania) và tứ kết (Thổ Nhĩ Kỳ). Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ ở tứ kết, nhưng với bản lĩnh của một ông lớn cùng sự thể hiện phong độ đúng lúc của các ngôi sao như Memphis Depay, Xavi Simons, de Vrij..., Hà Lan đã lội ngược dòng ấn tượng để có lần đầu tiên sau 20 năm lọt vào bán kết giải bóng đá danh giá nhất châu Âu. Với đối thủ ở bán kết là đội tuyển Anh chưa thật sự ổn định (chứ không phải Tây Ban Nha hay Pháp được đánh giá nhỉnh hơn), HLV Koeman sẽ có lần thứ 2 đăng quang Euro, sau lần đầu tiên với tư cách cầu thủ ở Euro 1988?
Lời chia tay buồn của các lão tướng và sự tỏa sáng của các sao mai
Bồ Đào Nha là đội tuyển có 2 cầu thủ lớn tuổi nhất tại kỳ Euro lần này (Cristiano Ronaldo và Pepe) và với việc bị Pháp loại ở tứ kết, có thể xem như sự nghiệp thi đấu quốc tế đỉnh cao của cả hai (dường như) đã khép lại (việc Ronaldo có tiếp tục thi đấu ở World Cup 2026 hay không thì thời gian tới mới biết). Những kỷ lục của Ronaldo ở Euro (tham dự nhiều vòng chung kết nhất, có số lần ra sân ở các trận thuộc vòng chung kết nhiều nhất, có số bàn thắng nhiều nhất...) có thể rất lâu nữa, hoặc không bao giờ bị vượt qua. Song, nhìn vào màn trình diễn của Ronaldo ở giải lần này, ai cũng có thể nhận ra dù rất cố gắng và tràn đầy quyết tâm nhưng anh không thể chống lại được "kẻ thù" thời gian. Thực ra dấu ấn của Ronaldo tại Euro lần này là rất nhạt nhòa. Người ta sẽ không nhớ nhiều đến pha kiến tạo của anh cho Bruno Fernandes ghi bàn trong trận thắng Thổ Nhĩ Kỳ, mà sẽ nhớ đến anh nhiều hơn với những tình huống bị bỏ lỡ, như quả 11m trong trận gặp Slovenia ở vòng 1/8. Sẽ là khiên cưỡng khi cho rằng sự hiện diện của Ronaldo kìm hãm sự tiến bộ của đội tuyển Bồ Đào Nha, nhưng với dàn cầu thủ trẻ trung, tài năng đang có, một Bồ Đào Nha - không - Ronaldo hoàn toàn không yếu đi, thậm chí có thể khẳng định là đồng đều mà mang tính tập thể hơn.
Không giống với Ronaldo, Toni Kroos - chàng tiền vệ tài hoa của đội tuyển Đức chỉ mới quay lại đội tuyển quốc gia từ tháng 3 năm nay khi nhận được đề nghị của HLV Nagelsmann để giúp cho đội tuyển có thêm một cầu thủ đẳng cấp và kinh nghiệm ở tuyến giữa với mục tiêu vô địch Euro trên sân nhà. Kroos cũng đã khẳng định anh sẽ giải nghệ sau kỳ Euro này, và còn gì tuyệt vời hơn khi anh và đội tuyển Đức nâng cao chiếc cup Euro danh giá ngay trên sân nhà. Song điều đó không bao giờ xảy ra, khi đội tuyển Đức đã dừng bước trước Tây Ban Nha. Người đồng đội lâu năm của Kroos ở đội tuyển Đức - Thomas Mueller cũng đã nói lời chia tay đội tuyển. Ở giải lần này, nếu như Kroos là cầu thủ không thể thay thế thì Mueller chỉ đóng vai trò dự bị, nhưng sự có mặt của anh, với kinh nghiệm dày dạn và vai trò thủ lĩnh là nhân tố rất quan trọng để đoàn kết đội tuyển. Sắp bước sang tuổi 35, có lẽ cái ngày Mueller chia tay bóng đá đỉnh cao không còn xa... Đội trưởng đội tuyển Đức - Ilkay Guendogan, dù chưa đưa ra tuyên bố chính thức, nhưng ở tuổi 34, có lẽ thời gian để anh cống hiến cho đội tuyển quốc gia sắp đi đến những thời điểm cuối cùng.
Những sự chia tay các cầu thủ lão làng bao giờ cũng để lại những tiếc nuối, hụt hẫng, nhưng Euro 2024 cũng là sân khấu trình làng nhiều cầu thủ trẻ rất xuất sắc, với những cái tên nổi trội như: Lamine Yamal (sắp 17 tuổi), Nico Williams (21 tuổi)... của Tây Ban Nha, Xavi Simons (21 tuổi), Frimpong (22 tuổi) của Hà Lan, Jude Bellingham (21 tuổi), Kobbie Mainoo (19 tuổi) của Anh hay William Saliba (23 tuổi), Bradley Barcola, Eduardo Camavinga (cùng 21 tuổi) của Pháp, Arda Guler (19 tuổi) của Thổ Nhĩ Kỳ..., trong đó nổi bật nhất chắc phải là "cậu học trò" Lamine Yamal của đội bóng xứ đấu bò. Trong một giải đấu không có ngôi sao nào thực sự quá nổi trội, không quá lời khi cho rằng, Yamal là một trong những ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu.