KIDO tiếp tục mở rộng với chiến lược M&A
Bên cạnh mục tiêu lãi trước thuế tăng 70% so với năm ngoái, Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) trong năm nay sẽ tiếp tục tìm cơ hội đầu tư qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) và chọn đối tác thực hiện OEM (đối tác sản xuất theo đặt hàng của KIDO).
Thông tin trên được ghi nhận tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của KIDO diễn ra vào ngày 14-6. Và Đại hội cũng thông qua kế hoạch năm nay với doanh thu 8.300 tỉ đồng, lãi trước thuế 300 tỉ đồng, tăng lần lượt 9,1% và 70% so với năm 2018. Dự kiến chi trả cổ tức tiền 12%.
Báo cáo tại Đại hội, lãnh đạo KIDO cho biết kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm đạt doanh thu 2.665 tỉ đồng, lợi nhuận 137 tỉ đồng.
KDC đánh giá kế hoạch kinh doanh năm 2019 là kế hoạch kinh doanh thận trọng so với những gì đã đạt được trong 5 tháng đầu năm (đã hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận). Việc đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng này của KDC là nhằm dành nguồn lực tài chính để làm cơ sở hạ tầng, tìm kiếm cơ hội đầu tư M&A, chọn lọc đối tác thực hiện OEM. (Đối tác OEM sẽ thực hiện các công việc sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước và bán sản phẩm cho các công ty, công xưởng thực hiện các công việc sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước và bán sản phẩm cho công ty khác (chịu trách nhiệm phân phối). Sản phẩm được đưa ra thị trường dưới thương hiệu của công ty đặt làm ra sản phẩm).
Sau khi bán hoàn toàn mảng bánh kẹo, trong thời gian qua KIDO đẩy mạnh đầu tư vào ngành hàng lạnh (như kem ăn, sữa chua,...), và dầu ăn. Đáng chú ý, ở mảng dầu ăn dù chỉ mới tham gia vào thị trường này được vài năm nhưng hiện nay KIDO đã nhanh chóng phát triển được thị phần lớn là nhờ đầu tư qua hình thức M&A, thâu tóm hoặc mua cổ phần chi phí của các công ty dầu ăn lớn trên thị trường, gồm Vocarimex, Tường An, Golden Hope Nhà Bè. Đáng chú ý, theo doanh nghiệp này, doanh thu ngành dầu ăn của công ty hiện đã vượt xa doanh thu mảng cốt lõi trước đây của công ty là bánh kẹo.
Chia sẻ trong phần thảo luận tại đại hội, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn KIDO, chia sẻ một công ty bán đi ngành cốt lõi (bánh kẹo-PV), thì khả năng thành công trở lại với ngành hàng mới thực sự là khó. Ngành dầu ăn đang tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm rất cao. Sau 3 năm, KIDO đã tương đối hiểu biết nhiều về ngành này như các đối tác quan trọng có thể ảnh hưởng đến giá thành, chiết khấu… thậm chí phối hợp cùng các ngân hàng để giảm bớt ảnh hưởng biến động nguyên liệu. Và sau khi lấy được thị phần thì lợi nhuận sẽ ngày càng tăng.
"Thời kỳ khó khăn của KIDO xem như đã qua, sẽ có những phát triển vượt bậc, cộng thêm đầu tư cho các ngành chuẩn bị tham gia, chưa triển khai, đợi thị trường thuận lợi là triển khai và các khoản đầu tư này sẽ mang lại hiệu quả", ông Thành nói, và cho biết ban lãnh đạo KIDO sẽ xem xét về câu hỏi của cổ đông là có quay trở lại với thế mạnh của ngành bánh kẹo không?
Năm 2018, KIDO đạt 7.609 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 8,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 177 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 133 tỉ đồng, chiếm 75% trong cơ cấu lợi nhuận và đạt tốc độ tăng trưởng 40% so với cùng kỳ. Cổ tức thực hiện 10% bằng tiền, tương đương dành 205,7 tỉ đồng để thanh toán cổ tức.
Trước những khó khăn trong năm qua, KIDO dự kiến xây dựng chiến lược kinh doanh năm 2019 của kênh bán lẻ ngành thực phẩm đóng gói với các hoạt động chính như tiếp tục cao cấp hóa sản phẩm, phát triển hệ thống kênh phân phối, tăng cường phát triển thương hiệu, tiếp tục mở rộng và thâm nhập ngành hàng mới.
Hùng Lê