Kiềm chế tội phạm cố ý gây thương tích

Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn huyện Lập Thạch liên tiếp xảy ra tội phạm cố ý gây thương tích. Có những vụ, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, các đối tượng ngang nhiên dùng hung khí nguy hiểm gây sát thương lẫn nhau, khiến dư luận bức xúc.

Cán bộ Viện KSND huyện Lập Thạch chủ động đưa ra nhiều kiến nghị nhằm giảm tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn. Ảnh: Dương Hà

Cán bộ Viện KSND huyện Lập Thạch chủ động đưa ra nhiều kiến nghị nhằm giảm tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn. Ảnh: Dương Hà

Từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022, trên địa bàn huyện Lập Thạch đã xảy ra 12 vụ cố ý gây thương tích, làm 15 người bị thương, tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Cơ quan CSĐT Công an huyện đã giải quyết 9 vụ, trong đó, khởi tố 3 vụ với 7 bị can.

Đáng chú ý nhất là vụ việc xảy ra ngày 2/10/2021. Trong khi ngồi uống bia, Đặng Trần Hoàng sinh năm 1991 và Lê Văn Hải sinh năm 1995 xảy ra cãi nhau, Hoàng đã dùng dao đâm Hải, khiến Hải phải đi cấp cứu và chịu thương tích 40%. Cơ quan CSĐT Công an huyện Lập Thạch đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Đặng Trần Hoàng về tội cố ý gây thương tích.

Theo Viện trưởng Viện KSND huyện Lập Thạch Lê Đức Hiếu, nguyên nhân khiến tội phạm cố ý gây thương tích có chiều hướng gia tăng do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận thanh, thiếu niên còn hạn chế cộng với thiếu sự quản lý, giám sát giáo dục của gia đình, nhà trường.

Hầu hết các vụ việc xảy ra đều xuất phát từ những nguyên nhân nhỏ nhặt trong sinh hoạt hằng ngày như tranh chấp về đất đai, vay mượn tài sản hay do việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích, không làm chủ bản thân, dễ bị kích động, dẫn đến việc phạm tội.

Năm 2019, Nhà nước đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, trong đó, quy định rõ đối tượng, trường hợp được sử dụng rượu, bia. Thế nhưng, cho đến nay, việc lạm dụng bia, rượu vẫn luôn ở tình trạng đáng báo động.

Nhóm người dưới 18 tuổi sử dụng bia, rượu đang ngày càng gia tăng. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tuy đã được các cấp, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, song chưa được thường xuyên, liên tục, dẫn đến hiệu quả chưa cao...

Để hạn chế các vụ cố ý gây thương tích, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Lập Thạch, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật tại cộng đồng dân cư, nhà trường với nhiều nội dung, hình thức phong phú để mọi người nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, từ đó, tự điều chỉnh hành vi của bản thân và có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng tính mạng, sức khỏe của người khác.

UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật, coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại hằng năm. Đồng thời, duy trì hoạt động hiệu quả của các tổ liên gia tự quản, tổ hòa giải cơ sở.

Với vai trò nòng cốt, Công an huyện Lập Thạch cùng với công an các xã, thị trấn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kế hoạch đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.

Các tổ công tác bám sát địa bàn cơ sở, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bia, rượu, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, quán game, karaoke trên địa bàn huyện; quyết liệt ra quân truy quét, xóa sổ các ổ nhóm tội phạm; xử lý nghiêm các vụ ẩu đả, gây rối trật tự công cộng để giáo dục, răn đe chung…

Cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ, lựa chọn những vụ án điểm để điều tra, truy tố và xét xử lưu động tại địa bàn nóng, phức tạp, thường xuyên xảy ra vi phạm và tội phạm cố ý gây thương tích nhằm răn đe, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, kiềm chế hiệu quả sự gia tăng tội phạm nói chung và tội phạm cố ý gây thương tích nói riêng.

Lê Minh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phap-luat/75930/kiem-che-toi-pham-co-y-gay-thuong-tich.html