Kiếm cơm từ nghề săn... ve sầu

Khi những cơn mưa rào đầu hè xuất hiện, xua tan sự oi ả của những ngày nắng nóng cũng là thời điểm ve sầu non bước vào thời kỳ lột xác. Bị cuốn hút bởi món đặc sản này, nhiều nhóm 'thợ săn' đã lặn lội trong đêm, luồn sâu vào những vườn điều xa tít để bắt nhộng, vừa bổ sung thêm dinh dưỡng cho bữa ăn vừa kiếm thêm thu nhập.

NHỌC NHẰN TRONG ĐÊM

Buổi tối một ngày đầu tháng 6-2019, chúng tôi theo chân những thợ săn ve tại Bình Phước. Gọi là “thợ săn” nhưng thực tế họ đều là những người đang có công việc ổn định. Ban ngày họ đi làm rẫy hoặc các nghề tự do, tối đến tranh thủ vài tiếng đồng hồ để kiếm thêm tiền từ việc săn bắt ve.

Dụng cụ của các “thợ săn” ve rất đơn giản, chỉ cần chiếc đèn pin và thùng nước sạch pha loãng với muối. Chúng tôi bắt đầu hành trình khi trời vừa sập tối, men theo những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, vào sâu trong những khu vườn điều, cà phê vắng vẻ.

8 giờ tối, chúng tôi dừng chân tại khu vực có vài nhà dân. Rảo quanh một vòng, cả nhóm khá thất vọng vì mất hơn 10 phút mà chỉ bắt được 4 chú ve sầu non, bởi nơi này đất khô cằn nên ve khó ngoi lên mặt đất. Sau một hồi bàn bạc, chúng tôi tiếp tục tiến sâu hơn 4km nữa trên con đường đầy “ổ gà, ổ voi”. Gần đến địa điểm mới, chúng tôi soi đèn thấy quần áo trên người đã chuyển qua màu đất đỏ.

Chuyến săn ve sầu trong đêm hè của những “thợ săn”

Chuyến săn ve sầu trong đêm hè của những “thợ săn”

Bỏ xe phía ngoài đường, cả nhóm đi bộ 500m nữa, xuyên qua 3, 4 khu vườn điều, cà phê của người dân. Càng vào sâu, tiếng ve vang lên ngày càng nhiều, thôi thúc chúng tôi tiến bước. Trong không gian tối đen như mực, quét ngang chiếc đèn pin trên tay, mọi người bắt gặp xác ve sầu màu hổ phách thấp thoáng trên những gốc cây cách mặt đất chừng 20cm đến 3m nên ai cũng phấn khích.

Càng tiến đến gần, xác ve xuất hiện càng nhiều, có những gốc cây chi chít hàng trăm xác ve đậu kín đặc thân, lẫn trong đó là những chú ve sầu non màu trắng sữa. Sự xuất hiện dày đặc của chúng khiến các thành viên quên luôn cảm giác mệt mỏi khi phải trải qua hành trình tìm kiếm.

Anh Nguyễn Hoàng Minh (23 tuổi, ngụ xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), người có kinh nghiệm bắt ve, chia sẻ: “Mỗi mùa ve thường kéo dài khoảng 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch).

Các chú ve sau khi ngoi lên mặt đất sẽ phát triển rất nhanh, chỉ trong vòng khoảng 1 - 2 giờ đồng hồ sẽ trưởng thành. Khi thành ve sầu, cánh của chúng bắt đầu mở ra, màu sắc trở nên đậm hơn. Khi đủ già, chúng sẽ bay lên các vị trí cao hơn. Chính vì điều đó nên một buổi săn ve thường chỉ diễn ra trong 2 - 3 tiếng đồng hồ”.

Lúc này đã hơn 11 giờ đêm, sương mù dày đặc phủ xuống những khu vườn bạt ngàn, không gian càng thêm tĩnh lặng. Tiếng ve râm ran hòa lẫn tiếng suối reo róc rách trên những sườn đồi tạo thành “bản hòa nhạc mùa hạ”, đó cũng là lúc cả nhóm kết thúc hành trình.

Anh Đặng Nguyễn Minh Tuấn (20 tuổi, ngụ xã Tân Phước, huyện Đồng Phú), thành viên trong nhóm bộc bạch: “Mùa bắt ve sầu rất ngắn ngủi, kéo dài một hai tuần vì sau vài ngày, nhộng ve sẽ đủ lông cánh bay đi”. Nhìn xô nước mang theo đầy ắp khoảng 4kg nhộng, các thành viên tiết lộ, với giá hiện tại bán ra thị trường thì cả nhóm sẽ có hơn 1 triệu đồng chia nhau.

NGHỀ CÓ THU NHẬP KHÁ

Cũng theo anh Tuấn, mỗi mùa ve kéo dài khoảng 3 tháng chí ít cũng kiếm được 15 - 20 triệu đồng, có khi gần 30 triệu, tùy theo giá cả cũng như nhu cầu thu mua từng năm và số tiền này cũng bằng 4 - 5 tháng lương công việc các anh đang làm.

Được biết nhộng ve sầu sau khi bắt về ngâm nước muối 20 - 30 phút, nhặt bỏ cánh, chần qua nước sôi rồi rửa sạch, mới đem chiên. Chảo đặt lên bếp, để dầu thật nóng mới đổ nhộng ve vào, cho mắm muối, tiêu vào đảo đều tay tầm 15 phút sau đó cho ít lá chanh vào cho dậy mùi. Ngoài ra, nhộng ve có thể làm nhiều món ngon khác như xào sả ớt, chiên giòn, chiên bột...

Theo anh Nguyễn Thành Đồng (ngụ P.Tân Thiện, TP.Đồng Xoài, Bình Phước), người chuyên thu mua nhộng ve, thì đây được coi là đặc sản có thể làm khá nhiều món. Vài năm gần đây, nhu cầu người dân khoái món này ngày càng tăng nên nhiều người đi bắt ve ăn chơi chuyển dần thành những “thợ săn” chuyên nghiệp, giá thu mua nhộng ve sầu dao động 170.000 - 220.000 đồng/kg tùy loại.

Có ngày anh thu mua 50 - 70kg nhộng để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn tại TP. Đồng Xoài, anh còn bán online cho nhiều nhà hàng tại các thành phố khác và từng nhận những đơn hàng gửi đi nước ngoài lên đến cả trăm ký.

Ve sầu đeo bám trên thân cây điều rồi... thoát xác

Ve sầu đeo bám trên thân cây điều rồi... thoát xác

Ve sầu non là món ăn dân dã, rất được ưa thích, nhưng nếu không cẩn trọng khâu chọn lọc, bảo quản, chế biến, rất dễ gây mất an toàn, khả năng gây ngộ độc cao, với các biểu hiện, như nôn, ói, co giật, hôn mê sâu, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nhộng ve sầu không có độc tố gây chết người, nhưng do nhộng ve sống khá lâu trong môi trường trước khi lột xác và ngoi lên mặt đất nên rất dễ bị nhiễm khuẩn hay các loài nấm độc ký sinh, mà độc tố không bị phá hủy dù được nấu kỹ.

Dù cơ quan chức năng các địa phương đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng nhộng của các loài côn trùng làm thức ăn, trong đó có ve sầu, để tránh xảy ra ngộ độc, nhưng do chủ quan, nhiều người vẫn vô tư thưởng thức nên đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Để hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc do ve sầu gây ra, người dân cần trang bị kiến thức và cẩn trọng khi chế biến đồng thời tiến tới loại bỏ thói quen ăn ve sầu non, nhộng ve...

Đức Trung - Minh Khánh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/kiem-com-tu-nghe-san-ve-sau_75494.html